Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Nhân dịp Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12, phóng viên Báo Quảng Trị có dịp trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Trương Hữu Thiện về chủ đề: 'Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước'.
-Sau khi có văn bản hướng dẫn của Tổng cục Dân số - KHHGĐ về nội dung hoạt động, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã ban hành kế hoạch hướng dẫn tổ chức hưởng ứng sự kiện này. Chi cục đã phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài PTTH tỉnh, Trang thông tin của Sở Y tế xây dựng và phát sóng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền về hoạt động công tác dân số trong toàn tỉnh và thông điệp, chủ đề Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12: “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”.
Tổ chức truyền thông lưu động, treo băng rôn tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các trang mạng xã hội nhằm cung cấp thông tin, chính sách về dân số và phát triển của Đảng và Nhà nước hiện nay đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tăng cường hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số.
Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị tổ chức các hoạt động truyền thông, hội nghị chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về các nội dung công tác dân số trong tình hình mới. Biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân số. Tổ chức giám sát, hỗ trợ các hoạt động truyền thông, giáo dục hưởng ứng sự kiện tại các địa phương và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai các hoạt động đến các cấp theo quy định.
-Những kết quả đạt được trong việc tư vấn, CSSKSS cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 là gì, thưa ông?
-Ngành dân số - y tế toàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Tuyên truyền, tư vấn cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ chuyên biệt cho vị thành niên và thanh niên như: tổ chức 32 buổi tư vấn nhóm về lợi ích của khám sức khỏe trước khi kết hôn cho hơn 1.000 nam, nữ thanh niên sống tại cộng đồng; phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức 40 buổi sinh hoạt ngoại khóa cung cấp kiến thức về giới tính, tình dục an toàn, kỹ năng về SKSS vị thành niên/ thanh niên cho học sinh THCS và THPT.
Tăng cường các hoạt động nhằm tạo môi trường thân thiện, hỗ trợ vị thành niên/ thanh niên tìm hiểu các dịch vụ dân số - KHHGĐ như: tổ chức hội nghị chuyên đề cung cấp thông tin về thực trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân và hướng dẫn kỹ năng giáo dục tình dục an toàn cho các bậc cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên/ thanh niên.
Tập huấn kỹ năng làm việc nhóm với vị thành niên cho cộng tác viên. Đưa nội dung tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân vào hoạt động của chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ và các hoạt động của các chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới.
Duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của 50 câu lạc bộ tiền hôn nhân tại các xã, phường, thị trấn như: sinh hoạt định kỳ, giao lưu tìm hiểu về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa và Đakrông.
Bên cạnh đó, ngành y tế - dân số đã tổ chức 6 hội nghị chuyên đề về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho hơn 300 cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư; 65 buổi nói chuyện chuyên đề về lợi ích sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho hơn 1.200 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nam, nữ thanh niên. Phối hợp với Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho 141 cán bộ y tế cơ sở.
Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các dịch vụ sàng lọc bằng kỹ thuật siêu âm và lấy mẫu máu gửi Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Trường Đại học Y Dược Huế xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh.
Kết quả trong năm 2023 có 3.663 lượt bà mẹ mang thai được sàng lọc, trong đó phát hiện 86 trường hợp có nguy cơ mắc dị tật bào thai và có 3.210 trẻ sơ sinh được sàng lọc, trong đó phát hiện 67 trẻ có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh.
- Để nâng cao chất lượng tư vấn, CSSKSS cho vị thành niên/thanh niên ở địa phương trong thời gian tới, theo ông cần triển khai những giải pháp gì?
- Việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân mà còn là thực hiện trách nhiệm đối với tương lai hạnh phúc gia đình của chính mình và toàn xã hội. Qua đó, giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.
Vì thế, trong thời gian tới ngành y tế - dân số tỉnh tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác dân số trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về dân số, cụ thể: tuyên truyền, vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn tham gia tư vấn và khám sức khỏe, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao.
Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
Cung cấp các kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục để nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và tránh thai an toàn; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chăm sóc thai kỳ tốt để sinh con khỏe mạnh. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...
-Xin cảm ơn ông!
Kô Kăn Sương(thực hiện)