Nâng cao chất lượng công tác cán bộ để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí
Ban Thường vụ Thành ủy Sóc Trăng xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và là nhiệm vụ xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, toàn dân. Từ đó, quan tâm lãnh đạo quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, lãng phí một cách kịp thời, đúng đắn, phù hợp.
TP. Sóc Trăng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Trước sự phát triển đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là việc xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn và quá trình thực hiện các thủ tục thu hồi đất theo quy định, có một phần ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân nên dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại. Với lại, địa bàn trung tâm nên số lượng án thường phát sinh lớn, đối tượng phạm tội cũng khá đa dạng, nhiều thành phần. Khi đó, tình trạng tham nhũng, lãng phí đang tiềm ẩn với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, có thể diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Đó là điều thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bởi chỉ cần buông lỏng quản lý sẽ có nguy cơ tham nhũng, lãng phí bộc phát.
Trước tình hình đó, Thành ủy luôn kiên quyết, kiên trì, liên tục với những phương pháp, bước đi vững chắc, đồng bộ trong PCTN, lãng phí. Theo đó, tập trung quán triệt Kế hoạch số 29-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Ban Thường vụ Thành ủy đã cụ thể hóa các quy định của Đảng thành chương trình, kế hoạch và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện. Trước hết là triển khai trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, cán bộ chủ chốt, cấp ủy, các cơ sở đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên.
Theo đồng chí Trần Văn Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Sóc Trăng, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, lãng phí và gắn công tác này với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Đây là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả và nhất là chú trọng, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác PCTN, lãng phí. Đối với công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng được Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Hàng năm, đều tiến hành giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với những nội dung trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm. Chỉ đạo cấp ủy cơ sở kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên với phương thức đổi mới đã kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên.
Ban Thường vụ Thành ủy còn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và kịp thời các nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Công tác điều động, luân chuyển được thực hiện đúng quy trình; công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, dân chủ, công khai gắn với quy hoạch, kết quả thực hiện nhiệm vụ; trong bổ nhiệm cán bộ phù hợp chuyên ngành đào tạo, năng lực, sở trường của cán bộ. Từ đó, công tác cán bộ ngày càng chất lượng và đi vào nề nếp, giúp nâng cao năng lực lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không để xảy ra tình trạng đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại những cán bộ bị kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc điều động từ đơn vị này sang đơn vị khác giữ chức vụ cao hơn. Kiên quyết không bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thay thế kịp thời những trường hợp yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước, vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, gây mất đoàn kết nội bộ… Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, xác minh làm rõ đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm gắn với trách nhiệm của tập thể cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ sai phạm, kiên quyết không bao che, né tránh.
Những năm qua, Thành ủy thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, lãng phí. Quan tâm bố trí công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, chuyên môn bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN, lãng phí. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp PCTN như: công khai, minh bạch trong hoạt động; thực hiện quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác (hơn 4 năm chuyển đổi 75 trường hợp); thực hiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; cải cách hành chính, công vụ; việc giao quyền tự chủ về tài chính, biên chế, giao khoán kinh phí hoạt động và sử dụng công quỹ theo quy định.
Không những vậy, thành phố đã tăng cường công tác thanh tra và đã thành lập 16 đoàn để thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thu chi ngân sách, tài chính, công tác PCTN, lãng phí. Qua đó, đã phát hiện nhiều sai phạm và đã chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nhưng chưa phát hiện trường hợp có hành vi liên quan đến tham nhũng. Công tác khiếu nại, tố cáo được chú trọng, giải quyết kịp thời, hơn 4 năm, thành phố đã tiếp nhận 73 đơn và đã giải quyết đạt 100%, cũng không phát hiện có hành vi tham nhũng...
Nhìn chung, công tác PCTN trên địa bàn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sâu sát từ thành phố đến cơ sở. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị thành phố trung tâm của tỉnh vẫn luôn được giữ vững ổn định, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.