Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã xác định: Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đưa kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, qua đó từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đem đến sự hài lòng cho người bệnh.

 Thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh -Ảnh: L.N

Thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh -Ảnh: L.N

Đưa kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh

Xác định áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao là một trong những nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, các đơn vị y tế trong tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các chuyên khoa sâu và phát huy thế mạnh trong nhiều lĩnh vực điều trị.

Là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ y học hiện đại, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phát triển nhiều kỹ thuật mới với hàng trăm ca bệnh được thực hiện thành công tại bệnh viện. Tiêu biểu như trong lĩnh vực ngoại khoa có kỹ thuật thay chỏm xương đùi toàn phần, phẫu thuật cột sống, nội soi khớp gối, khớp vai. Lĩnh vực nội khoa có can thiệp tim mạch với các kỹ thuật mới như: Đặt stent mạch vành trong nhồi máu cơ tim cấp, can thiệp các dị tật bẩm sinh của tim, các dị dạng mạch máu, can thiệp xử lý các bất thường của mạch máu não… Cùng với đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc mới, hiện đại, giúp chẩn đoán và điều trị tốt nhất cho người bệnh, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao công tác khám, chữa bệnh. Việc phát triển các kỹ thuật mới không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân mà còn tạo động lực để đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện nỗ lực hơn trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn.

 Đưa kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh -Ảnh: L.N

Đưa kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh -Ảnh: L.N

Bên cạnh việc đầu tư kỹ thuật công nghệ cao về y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các cơ sở điều trị ở tuyến huyện cũng được ngành quan tâm đầu tư các trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm 3D/4D, máy xét nghiệm huyết học, máy xét nghiệm sinh hóa, các hệ thống máy nội soi, X- quang kỹ thuật số, các thiết bị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu..., qua đó góp phần giúp người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương. Đồng thời, đây còn là giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn của các đơn vị, góp phần giảm áp lực cho tuyến trên cũng như giảm chi phí cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo.

Từng bước củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế

Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng cho biết: “Thời gian qua, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch phù hợp tới từng vùng, đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân”. Thực tế cho thấy, việc củng cố y tế cơ sở đã tạp cho hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên địa bàn ngày càng tốt hơn. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2019 đạt 93,2%; đến nay toàn tỉnh đã có 98,6% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Các cơ sở điều trị đã cơ bản đáp ứng được quy mô về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Bên cạnh đó, sau khi thành lập, sáp nhập, hợp nhất, hệ thống tổ chức y tế trên địa bàn tỉnh đã hoạt động ổn định, hiệu quả. Số lượt khám bệnh tăng trung bình từ 3,5-5%/năm trong giai đoạn 2016- 2020. Đặc biệt, ngành y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin để hướng đến y tế thông minh, nối mạng giữa 3 cấp là Bộ Y tế - Sở Y tế và tuyến y tế cơ sở. Mạng lưới khám chữa bệnh, công tác điều dưỡng, phục hồi chức năng tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng đã được tăng cường. Qua đó, người bệnh được tư vấn, giáo dục sức khỏe, động viên tinh thần, chăm sóc về dinh dưỡng, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo quy định. Đồng thời, ngành y tế còn phối hợp triển khai các biện pháp can thiệp phục hồi chức năng cho người khuyết tật đến y tế cơ sở, thực hiện khám phân loại chuyển tuyến, tư vấn, hướng dẫn phục hồi chức năng - vật lý trị liệu tại cộng đồng; xây dựng mô hình phục hồi chức năng tại một số đơn vị y tế cơ sở, cung cấp các dụng cụ trợ giúp cho những người khuyết tật trên địa bàn.

Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao thể trạng sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Tỉ lệ bệnh nhân được điều trị khỏi ngày càng cao, bệnh nhân phải chuyển tuyến và số người bệnh tử vong giảm đáng kể; công tác phòng chống dịch bệnh và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Tỉ lệ hài lòng qua hệ thống dân chấm điểm M Score tăng theo từng năm.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh trong nước và khu vực những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp như dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19, bệnh bạch hầu…, ngành y tế đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành liên quan triển khai các biện pháp tích cực, hiệu quả, chủ động kiểm soát dịch bệnh. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, khống chế không để dịch lan rộng, kéo dài.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của COVID-19, là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, Sở Y tế đã huy động và phối hợp với các ban ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trong công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả các biện pháp tiếp nhận, sàng lọc, cách ly tập trung, theo dõi chăm sóc sức khỏe và xét nghiệm cho ngươi dân tại khu cách ly và đối tượng nghi nhiễm, thực hiện tốt công tác kiểm soát y tế tại các chốt trên địa bàn tỉnh. Khi có các trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chủ động các phương pháp khoanh vùng dập dịch, truy tìm và cách ly tất cả những người tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc gián tiếp (F2).

Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nguồn lây trong cộng đồng đã được khống chế, các ổ dịch được dập tắt. Cùng với đó, ngành đã tham mưu thành lập trên 40 ngàn tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng với hơn 11 ngàn người tham gia. Qua đó đã phối hợp với các ban ngành nắm bắt tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, vận động, kiểm tra số người đi từ vùng dịch tễ về thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ thực hiện tốt công tác ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, điều tra dịch tễ, phân loại, sàng lọc, cách ly chặt chẽ, thực hiện khoanh vùng, dập dịch, điều trị kịp thời, hiệu quả nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là trang thiết bị còn thiếu ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến huyện và tuyến xã. Cơ sở hạ tầng thiếu và xuống cấp, không đảm bảo để triển khai các kỹ thuật cơ bản theo phân tuyến kỹ thuật. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh mới nổi có tỉ lệ tử vong cao xâm nhập vào địa bàn, các bệnh không truyền nhiễm có xu hướng gia tăng cũng là một thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đối với ngành Y tế.

Với mục tiêu đảm bảo cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ từng bước định hình lại hệ thống y tế theo hướng công bằng- hiệu quả: Đẩy mạnh đầu tư hệ thống y tế tuyến cơ sở về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển các kỹ thuật mới ở tuyến cơ sở, tạo tiền đề để phát triển “Y tế cụm dân cư” nhằm chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chất lượng cao ngay từ tuyến cơ sở. Đối với tuyến huyện sẽ được nâng cấp về cơ sở vật chất trang thiết bị, đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên… từng bước hiện đại hóa để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân, hạn chế chuyển tuyến trên. Ở tuyến tỉnh sẽ được đầu tư chuyên sâu nhằm phân tuyến kỹ thuật rõ ràng, tiến tới chỉ điều trị các bệnh khó, bệnh kỹ thuật cao.Y tế dự phòng sẽ định hướng đầu tư trọng điểm, từng bước hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa nhằm phát hiện, ngăn chặn , đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng xã hội hóa ngành y tế góp phần nâng cao các dịch vụ kỹ thuật nhằm tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152363