Nâng cao chất lượng công tác chất vấn, giám sát HĐND

Phát huy vai trò đại biểu dân cử, đại diện cho quyền hợp pháp, chính đáng của người dân, tăng cường tính chiến đấu, phản biện, HĐND tỉnh Hải Dương tập trung nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, chất vấn.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát chất lượng nước sạch tại Trạm cấp nước Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát chất lượng nước sạch tại Trạm cấp nước Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)

Vì lợi ích của dân

Trong các ngày 12-20.9, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, lấy mẫu xác định chất lượng nguồn nước sạch và thực hiện lộ trình chuyển đổi nguồn lấy nước sông nội đồng của một số nhà máy nước sạch ở khu vực nông thôn trên địa bàn.

Đây là một trong những nội dung quan trọng để phục vụ cho phiên chất vấn giữa hai kỳ họp của HĐND tỉnh đối với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế), Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lấy mẫu đột xuất ở một số trạm cấp nước sạch và ở những hộ dân sử dụng nước sạch để xét nghiệm chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT ngày 17.6.2009); nếu chất lượng nước không đạt yêu cầu sẽ đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Đoàn cũng tiến hành kiếm tra tiến độ chuyển đổi nguồn lấy nước từ sông nội đồng ra sông lớn của các nhà máy nước ở khu vực nông thôn và yêu cầu cơ quan chức năng, chủ đầu tư giải trình về việc chậm chuyển đổi theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Vũ Công Cương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương), trên địa bàn nông thôn của tỉnh có 73 công trình với công suất trên 120.000m3/ngày đêm đang vận hành cung cấp nước sạch cho người dân. Hiện 214/220 xã nông thôn đã được phủ kín hệ thống đường ống và đấu nối sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sạch tập trung (chiếm 97,3% tổng số xã nông thôn).

Theo kết quả cập nhật điều tra Bộ chỉ số theo dõi – đánh giá cấp nước nông thôn đến hết năm 2018 được UBND tỉnh phê duyệt, Hải Dương đạt 94,01% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn 02/2009/BYT của Bộ Y tế. Theo thiết kế ban đầu, toàn tỉnh có 27 công trình khai thác nước sông nội đồng và thực hiện quyết định chuyển đổi để nâng cao chất lượng nguồn cấp nước của UBND tỉnh; hiện có 23/27 công trình chuyển đổi từ khai thác sông nội đồng sang sử dụng nước sông lớn, còn 4 công trình đang trong quá trình chuyển đổi nguồn khai thác.

Ông Phạm Quang Hưng, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: Sau khi có kết quả xét nghiệm chất lượng nước và lắng nghe ý kiến của người dân, của doanh nghiệp cung cấp nước, những khó khăn vướng mắc khi tiến hành chuyển đổi nguồn nước như thủ tục cấp giấy phép đặt ống nước qua đường giao thông, qua đê, nhất là đê do Trung ương quản lý, giá nước sạch…, HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên họp chất vấn chuyên đề đối với các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuối tháng 9 này.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nước sạch Kỳ Sơn chia sẻ: "Thông qua những cuộc giám sát của HĐND tỉnh, chúng tôi có thể trực tiếp kiến nghị những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Chúng tôi mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh sẽ chuyển những ý kiến, kiến nghị đó tới các cơ quan chức năng của tỉnh, của Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho chúng tôi trong thời gian tới."

Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Quang Hưng cho biết thêm thời gian qua, HĐND tỉnh cũng đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát, chất vấn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước như công tác cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức và hoạt động của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay; xây dựng ao bơi hợp vệ sinh khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020; công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; chất vấn về công tác cải cách hành chính; giám sát trực tiếp đối với UBND tỉnh về công tác quản lý và sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước trên địa bàn…

Ông Đặng Đức Thành, cử tri thành phố Hải Dương chia sẻ: "Qua theo dõi các phiên chất vấn của HĐND tỉnh, tôi đánh giá cao nội dung, các câu hỏi ở phiên chất vấn chuyên đề. Đặc biệt, tại các phiên chất vấn, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đã đặt nhiều câu hỏi, truy vấn các cơ quan quản lý Nhà nước đến cùng vấn đề. Thường trực HĐND cũng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phải đặt ra thời hạn để trả lời, xử lý các vướng mắc, quy trách nhiệm cho người đứng đầu nên đáp ứng được nguyện vọng của cử tri trong tỉnh.

Nâng cao chất lượng

Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là trong hoạt động chất vấn, giám sát, theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển, các đại biểu HĐND cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình, phải đại diện cho người dân, gửi gắm các nguyện vọng, tình cảm của người dân đến với các cơ quan quản lý Nhà nước và phải giám sát hoạt động của chính quyền để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc cho người dân. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân phải nhanh chóng chuyển đến các cơ quan chức năng; thường xuyên giám sát, đôn đốc xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của người dân. Các đại biểu HĐND khi tiến hành giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của địa phương phải thấy được những việc được và chưa được khi triển khai thực tế tại cơ sở. Khi nảy sinh các bất cập, những khó khăn, ách tắc trong quá trình triển khai các Nghị quyết, phải chỉ ra được và tham mưu cho các cơ quan chức năng các giải pháp khả thi để kịp thời tháo gỡ. Khi tiến hành chất vấn, các đại biểu cần chuẩn bị câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào vấn đề, phải nói lên được những bức xúc của người dân và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ quan chức năng để có giải pháp khắc phục.

Thực tiễn cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được quyết định bởi kết quả hoạt động của Thường trực, các Ban và mỗi đại biểu HĐND. Trong khi đó, 90% các đại biểu HĐND là đại biểu hoạt động không chuyên trách, không thường xuyên, thiếu chuyên nghiệp và trình độ không đồng đều. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhất là nhiệm vụ giám sát, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh nhằm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động giám sát cho đại biểu HĐND như lựa chọn nội dung giám sát, các bước tiến hành, phương pháp và đối tượng; cách thức thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát; cách thức thẩm tra, xem xét các báo cáo, tờ trình, đề án trình tại kỳ họp HĐND; kỹ năng lắng nghe, tiếp thu, đối thoại và thuyết phục của đại biểu… Bên cạnh đó, các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tổ chức tiếp công dân định kỳ tại nơi đại biểu ứng cử. Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt việc giữ mối liên hệ giữa đại biểu HĐND và cử tri; tạo điều kiện để cử tri thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc trong xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh khóa XVI đã triển khai 6 cuộc giám sát chuyên đề. Tham gia thành viên đoàn giám sát ngoài các đồng chí lãnh đạo HĐND, các Ban HĐND còn có các đại biểu HĐND tỉnh có trình độ và am hiểu về các lĩnh vực liên quan đến nội dung giám sát. Trong quá trình tham gia đoàn, các đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nắm bắt các thông tin qua báo cáo, dư luận và trên các phương tiện thông tin đại chúng... liên quan đến lĩnh vực giám sát. Khi giám sát thực tế, các đại biểu chủ động thu thập tài liệu liên quan đến nội dung giám sát để nghiên cứu, trao đổi với các đơn vị chịu sự giám sát; thể hiện được vai trò trong việc nêu câu hỏi, gợi ý cho đối tượng chịu sự giám sát trả lời nội dung mình quan tâm; các kiến nghị, đề xuất có trọng tâm, trọng điểm.

Để nâng cao chất lượng giám sát, chất vấn, HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu; phát huy vai trò của các đại biểu kiêm nhiệm; xác định thứ tự ưu tiên các vấn đề, nội dung trọng tâm trong giám sát; chọn lựa kỹ phương pháp, hình thức và thời điểm giám sát, nhất là qua nghe báo cáo và đi thực tế để kiểm định thông tin; tiếp tục tái giám sát việc thực hiện những kết luận, kiến nghị qua giám sát, những vấn đề còn tồn đọng, những vấn đề chưa xử lý dứt điểm…

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nang-cao-chat-luong-cong-tac-chat-van-giam-sat-hdnd-116809