Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội - Bài cuối: Lá chắn quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Hồ Chí Minh phát huy vai trò của MTTQ và Nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng dựng Đảng bộ, chính quyền các cấp Thành phố và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều mô hình cụ thể hóa
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hiện nay TP là địa phương đã có nhiều mô hình cụ thể hóa, trong đó đã xây dựng được quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân. Vì vậy, Thành phố cũng đã ban hành nhiều quy chế, quy định liên quan nhằm phát huy việc giám sát, phản biện, triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách về giám sát, phản biện xã hội... trong các cơ sở Đảng, chính quyền. Chưa kể, vừa qua có nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được các địa phương vận dụng thực hiện phù hợp với địa bàn để tăng hiệu quả giám sát. Tuy nhiên, một số địa phương, cơ quan, đơn vị tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng chính quyền; một số nơi triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, vẫn còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm trong quá trình góp ý.
Trong khi đó, TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động giám sát, phản biện xã hội hiện nay đang ngày càng có vai trò to lớn trong việc bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị từ sớm, từ xa. Đây là "lá chắn" quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đáng quan tâm trong hoạt động giám sát ở TP Hồ Chí Minh là việc sử dụng các phương pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của Nhân dân. Qua giám sát, tập hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân để trình cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết kịp thời.
"Vai trò giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên được thể chế hóa ngày càng rõ ràng và sâu sắc hơn. Thông qua MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân có quyền và có trách nhiệm giám sát cán bộ, đảng viên, nhằm mục tiêu xây dựng Đảng cầm quyền và hệ thống chính trị ở Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh", TS Bùi Thị Ngọc Trang phân tích.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, muốn thực hiện giám sát, phản biện thành công, trước tiên người cán bộ Mặt trận phải có năng lực, có bản lĩnh để nói và bảo vệ chính kiến của mình, xuất phát từ lợi ích của Nhân dân. Các hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận cần thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, gắn bó trực tiếp tới quyền và lợi ích của nhân dân. Đội ngũ Mặt trận phải phát huy thế mạnh, tính chủ động và không dàn trải trong triển khai nhiệm vụ. Cũng lưu ý, Mặt trận phải phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn nhằm có các “sản phẩm” phản biện, giám sát tốt hơn,
“MTTQ phải tạo được sức mạnh cho mình bằng những kết quả thực chất, bởi Đảng rất tin Mặt trận, nhân dân tin tưởng Mặt trận. Đây là tiền đề để Mặt trận tăng cường sức mạnh, vai trò nòng cốt chính trị và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân”, ông Nguyễn Thành Trung cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, một trong những nội dung trọng tâm của Mặt trận TP Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động giám sát là giúp Thành phố phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, cũng như ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước; kiến nghị điều chỉnh, thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Hoạt động này cũng sẽ giúp hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền hiệu quả hơn, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của chính quyền Thành phố và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của thành phố, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, theo các cán bộ Mặt trận, để tăng cường hoạt động giám sát, MTTQVN các cấp thành phố cần tổ chức các đoàn đi giám sát độc lập, kinh nghiệm, cho thấy hình thức này hiệu quả hơn; trong đó, việc thành lập đoàn giám sát là hết sức quan trọng. Ngoài các thành phần chuyên trách của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan đến vấn đề giám sát; đồng thời, có thể mời các cơ quan chức năng cùng dự để trả lời, giải quyết ngay các kiến nghị, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập do đoàn giám sát phát hiện hoặc do chính người dân phản ánh...
Nâng cao nội lực
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố, thông qua việc ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các văn bản của Trung ương.
Trong đó, tập trung chỉ đạo phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như: Chỉ thị 19-CT/TU về tiếp tục thực hiện Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư"; Quyết định số 936-QĐ/TU quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Quyết định số 994-QĐ/TU về quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan góp ý các chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành…
"Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua Đề án số 06-ĐA/TU về "Nâng cao vai trò của MTTQVN Thành phố và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030". Tiếp đó, ngày 20/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU. Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống MTTQ từ thành phố đến cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh", bà Nguyễn Thị Lệ cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lệ, để công tác giám sát, phản biện xã hội đi vào thực chất, cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp cần tiếp tục chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, Ủy ban Trung ương MTTQVN TP Hồ Chí Minh cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra và bồi dưỡng chuyên môn về công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ các cấp, tập trung vào hướng dẫn lựa chọn chủ đề giám sát; phản biện xã hội phải là những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đánh giá về hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, lại có sự thay đổi về nhân sự người đứng đầu nhưng hoạt động của UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh vẫn ổn định, đạt nhiều kết quả nổi bật, đa dạng, tiêu biểu, toàn diện các lĩnh vực. Thời gian qua, Mặt trận Thành phố triển khai nhiều chương trình giám sát, nhiều nội dung giám sát có tác dụng tích cực để thực hiện các chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội thông qua một số đề nghị cụ thể như: Quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; Bí thư cấp ủy các cấp ở địa phương nên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội; Thành phố cũng cần có cơ chế tài chính phù hợp, hiệu quả để huy động đông đảo trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giám sát, phản biện xã hội; cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của nhân dân (cần thiết có văn bản quy phạm pháp luật mang tầm luật là cơ sở pháp lý cho công tác giám sát)...
Theo luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP Hồ Chí Minh, muốn phát triển công tác giám sát, phản biện thì MTTQ phải nâng cao nội lực. Chức năng, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ chính là đại diện cho nhân dân. Do đó, những đơn vị được Mặt trận Tổ quốc giám sát phải quan tâm, trân trọng công tác giám sát. Điều này chính là trân trọng lòng dân, trân trọng ý dân. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên cần chọn trưởng đoàn giám sát là người dũng cảm, mạnh dạn, dám nói. Đoàn giám sát, phản biện cũng cần quy tụ các chuyên gia chuyên biệt của từng ngành; qua đó nâng cao năng lực, sức mạnh chung của đoàn.