Nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở

Thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở luôn được UBND Phường 5 (TP. Sóc Trăng) quan tâm và triển khai thực hiện theo quy định. Qua đó, đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hòa giải viên, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, hạn chế được phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, giữ gìn đoàn kết trong nhân dân.

Các hòa giải viên trên địa bàn thành phố thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ. Ảnh: K.N

Các hòa giải viên trên địa bàn thành phố thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ. Ảnh: K.N

Có dịp trò chuyện với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở mới hiểu hết những khó khăn, vất vả của công việc “ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ” như thế nào. Ông Nhan Phú Quyến (81 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hòa giải Khóm 1, Phường 5 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: "Do chính quyền thấy tôi lớn tuổi và có uy tín với người dân nên vận động tôi tham gia vào công tác hòa giải. Tôi nhận nhiệm vụ này 13 năm và luôn được chính quyền khóm, phường, nhân dân tín nhiệm, động viên dù tuổi cao sức yếu. Khóm 1 của Phường 5 có thể nói là vùng ven của thành phố, đời sống người dân nơi đây cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày vẫn còn phát sinh mâu thuẫn chuyện vợ chồng, tranh chấp lối đi, đất đai liền kề… Thường sau 3 ngày nhận đơn của người dân, tổ hòa giải khóm sẽ xuống xác minh tìm hiểu sự việc rồi tiến hành đưa ra hòa giải. Với sự vào cuộc nhanh chóng của tổ hòa giải, nhiều vụ việc trong Khóm 1 được giải quyết ổn thỏa giữa đôi bên. Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, khó động viên, thuyết phục nhất vẫn là các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình, tỷ lệ hòa giải thành chưa cao. Theo tôi, để làm tốt công tác hòa giải, tổ trưởng và các thành viên trong tổ thường xuyên tìm hiểu về pháp luật, kiên trì và chịu khó".

Trong những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác hòa giải cơ sở được thực hiện theo hướng nâng cao về số lượng và chất lượng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, là cầu nối trực tiếp chuyển tải mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với từng hộ nhân dân, nhờ đó công tác hòa giải trên địa bàn đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hiện phường có 5 khóm với 5 tổ hòa giải, gồm 25 hòa giải viên, số hòa giải viên là người dân tộc chiếm 80%, trình độ, năng lực cũng như kinh nghiệm hòa giải đáp ứng tốt các yêu cầu hòa giải tại cơ sở, góp phần giảm thiểu các vụ việc trach chấp, khiếu nại tại địa phương. Những tháng đầu năm 2020, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn Phường 5 tiếp nhận và đưa ra hòa giải 24 vụ việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Sóc Trăng, Chủ tịch UBND Phường 5 Nguyễn Hồng Hiếu cho biết: “Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn Phường 5 đi vào nề nếp, tỷ lệ hòa giải thành ở các tổ hòa giải đạt khá cao, góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo được an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế xảy ra mâu thuẫn kéo dài dẫn đến vi phạm pháp luật. Thời gian tới, UBND Phường 5 tiếp tục thực hiện công tác rà soát, củng cố, kiện toàn đối với tổ hòa giải; nâng cao ý thức tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực hòa giải, nhất là đối với các lĩnh vực hòa giải đạt kết quả chưa cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này đối với đời sống xã hội. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các tổ hòa giải để hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao”.

K.N

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-co-so-36879.html