Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở
Sáng 21/11, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng chủ trì Hội thảo là Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc và Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa.
Tham dự Hội thảo là các chuyên gia, đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt, Hội luật gia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện một số Sở Tư pháp… và các hòa giải viên ở Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, qua báo cáo của các đơn vị, địa phương, qua các cuộc kiểm tra, Hội thảo, Tọa đàm, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật thấy sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, ngoài những thành tựu đã đạt được, còn một số vướng mắc, cần có giải pháp, định hướng triển khai để nâng cao hiệu quả của công tác này.
Công tác hòa giải đóng vai trò to lớn trong việc đảm bảo ninh trật tự, sự bình yên trong mỗi gia đình, thôn xóm, địa phương, giảm thiểu công việc cho tòa án… Có được kết quả trên là nhờ các hòa giải viên ở cơ sở.
“Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi Toàn quốc lần thứ IV. Đây là diễn đàn để các hòa giải viên trong cả nước giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của nhau, đồng thời là sự ghi nhận của xã hội đối với sự đóng góp của các hòa giải viên”, bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết.
Ngoài những thành tựu đã được, công tác hòa giải ở cơ sở còn có một số khó khăn. Có địa phương chưa dành nhiều sự quan tâm tới công tác hòa giải ở cơ sở, điều này ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, ảnh hưởng tới việc tạo điều kiện đảm bảo hoạt động cho các tổ chức hòa giải về tập huấn, nâng cao kỹ năng, trang bị tài liệu cần thiết, kinh phí hoạt động…
Ngoài ra, vấn đề thể chế cũng ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, việc hòa giải chủ yếu dựa trên vấn đề tình làng nghĩa xóm, đề cao đạo đức… trong khi hòa giải ở cơ sở là “thấu tình đạt lý”. Nguyên nhân do kiến thức pháp luật của một số tổ hòa giải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các điều kiện cho việc đảm bảo thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng chưa được đảm bảo…
Theo Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội thảo là cơ hội để những người làm công tác quản lý nhà nước, đại diện các Sở tư pháp, chuyên gia, những người tham gia công tác hòa giải đưa ra ý kiến, đánh giá về thành tự đạt được, khó khăn vướng mắc sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời đưa ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn vướng mắc trên, để công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Tại Hội thảo, chuyên gia, đại diện một số đơn vị đề xuất tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan; tập trung nghiên cứu sửa đổi các quy định về mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế thành lập tổ hòa giải bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở; nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện của cán bộ, công chức và các cơ quan Nhà nước khi hòa giải viên muốn tìm hiểu, cung cấp thông tin liên quan để giải quyết vụ việc hòa giải; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức thực hiện triển khai công tác hòa giải cơ sở.
Tại Hội thảo, một hòa giải viên làm công tác hòa giải hơn 10 năm cho rằng cần có tiêu chí về hòa giải viên. Theo đó, hòa giải viên cần phải am hiểu pháp luật, uy tín… Sau đó, vị này nêu ví dụ về một vụ hòa giải mà bản thân đã hòa giải thành.
Theo lời vị này, vụ việc đó đã đưa ra chính quyền 3 năm nhưng chính quyền không hòa giải được, nhưng khi đưa đến tay ông thì lại hòa giải thành. Bởi ông nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiên trì tìm ra mâu thuẫn, nguyên nhân giữa hai bên để giải quyết. Sau đó, vị này đề nghị các cấp chính quyền nên quan tâm tới vấn đề nhân sự, tập huấn cho các hòa giải viên để nâng cao trình độ. Đồng thời quan tâm tới chế độ đãi ngộ đối với các hòa giải viên cơ sở.
Đại diện một số Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm tới biên chế, kinh phí cho công tác hòa giải; tập huấn kỹ năng cho các hòa giải viên; chia sẻ về mô hình hòa giải hay của địa phương…
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu, để nâng cao hiệu quả của công tác này./.