Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh
Thẩm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của các ban HĐND tỉnh, nhằm xem xét, đánh giá những vấn đề được đề cập trong báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND. Kết quả thẩm tra là cơ sở phản biện quan trọng để đại biểu HĐND thảo luận và quyết nghị. Từ đó đảm bảo cho nghị quyết của HĐND ban hành hợp hiến, hợp pháp, khoa học, khả thi cao, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế tại Kỳ họp HĐND tỉnh.
Xác định vai trò, tầm quan trọng đó, ngay sau khi thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh chủ động tổ chức, xây dựng kế hoạch cụ thể để thẩm tra theo từng lĩnh vực. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thành báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết, chuyển về các ban HĐND tỉnh để thực hiện việc thẩm tra. Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu tiếp nhận được, các ban chủ động phối hợp, thống nhất sắp xếp thời gian hợp lý để tránh sự chồng chéo về thời gian, đảm bảo tất cả đều tham dự và góp ý vào các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực được phân công. Hoạt động thẩm tra được các ban thực hiện bảo đảm đúng quy trình, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, lĩnh vực. Cùng với đó, các ban của HĐND tỉnh tăng cường khảo sát, nắm tình hình thực tế, kết hợp với nghiên cứu tài liệu tham khảo để phục vụ tốt cho hoạt động thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra, các ban của HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến phản biện đối với nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, được UBND tỉnh tiếp thu, bổ sung. Trong đó, cơ bản báo cáo thẩm tra của các ban được chuẩn bị công phu, chất lượng, chú trọng những nội dung cần lưu ý, các cơ sở pháp lý bảo đảm chặt chẽ, có tính phản biện cao và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể, trọng tâm, phù hợp với quy định của pháp luật, sát với thực tế của địa phương, là căn cứ quan trọng để đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và quyết định các nội dung trình tại kỳ họp. Do đó, các nghị quyết được đại biểu nhất trí thông qua với tỷ lệ rất cao.
Thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm tra, trước khi tiến hành thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh chỉ đạo phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phân công bộ phận tham mưu, giúp việc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra và chuyển các tài liệu cần thiết cho thành viên trong ban. Tại các buổi thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh luôn đề cao tinh thần dân chủ, dành nhiều thời gian để nghe đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị soạn thảo giải trình, làm rõ các nội dung, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và các ý kiến của thành viên ban. Thông qua hoạt động thẩm tra, nhiều kiến nghị của ban được UBND tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, bổ sung ngay trong quá trình chuẩn bị hồ sơ trước kỳ họp nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, như: đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn; quy định mức hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục theo quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; công nhận đô thị Phong Sơn (Cẩm Thủy) đạt tiêu chí đô thị loại IV...
Có thể thấy, thẩm tra tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành nghị quyết của HĐND. Những nghị quyết HĐND tỉnh được xây dựng, ban hành trên cơ sở thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng trong thời gian qua đã và đang được tổ chức thực hiện có hiệu quả và đạt được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.