Nâng cao chất lượng dân số: Cần có sự chung tay của cộng đồng

Chất lượng dân số là bài toán quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu không chú trọng vào chất lượng dân số, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số

Tại tọa đàm “Sức khỏe hôm nay - Chất lượng dân số ngày mai” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 26/12, Thạc sĩ Trần Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh) thông tin, tầm vóc của người Việt Nam đã được cải thiện, thể lực cũng được tăng, tuổi thọ trung bình cũng tăng cao hơn 74 tuổi. Tuy nhiên, người dân sống khỏe chỉ 64 tuổi, còn lại là những năm bệnh tật, điều này làm gia tăng chi phí y tế.

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng cao nhưng người già lại mắc nhiều loại bệnh.

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng cao nhưng người già lại mắc nhiều loại bệnh.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh, khám sức khỏe khi kết hôn còn nhiều hạn chế; già hóa dân số tăng nhanh đã kéo theo chi phí y tế tăng cao, tạo gánh nặng đến xã hội; ở vùng sâu vùng xa tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn cao.

Theo đó, nếu không chú trọng nâng cao chất lượng dân số, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy giảm chất lượng dân số, dẫn đến nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu phát triển; áp lực gia tăng đối với hệ thống y tế và chính sách an sinh xã hội; gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, khi có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm dân cư về chăm sóc sức khỏe và cơ hội phát triển; nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tỷ suất sinh ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh sẽ giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của dân số.

Bà Trần Thị Hồng cũng chỉ ra 5 yếu tố quyết định đến chất lượng dân số của Việt Nam gồm: sức khỏe; giáo dục mỗi cá nhân tự biết chăm sóc sức khỏe cho mình; kinh tế - bởi một gia đình kinh tế vững chắc thì có nhiều cơ hội tiếp cận y tế chất lượng cao; văn hóa - xã hội; di cư và phân bố dân số, sự chênh lệch giữa các vùng có sự khác nhau.

Còn bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thị Hồng Nhu, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc chăm sóc thai kỳ tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dân số trong tương lai. Mục tiêu của việc chăm sóc thai kỳ không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà còn để sinh ra những trẻ em khỏe mạnh, phát triển toàn diện, góp phần vào cải thiện chất lượng dân số.

Qua chăm sóc thai kỳ đúng cách giúp phát hiện sớm những vấn đề có thể gặp phải trong thai kỳ, từ đó có thể can thiệp kịp thời và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như thông qua các xét nghiệm sàng lọc thai kỳ, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down (có nhiễm sắc thể 21), hội chứng Patau (nhiễm sắc thể 13) hoặc hội chứng Edwards (nhiễm sắc thể 18)...

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, gia đình chính là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng dân số. Môi trường sống có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một gia đình hạnh phúc, đầy đủ tình thương và sự quan tâm sẽ giúp trẻ em được chăm sóc, yêu thương và phát triển tốt hơn. Do đó, việc xây dựng một gia đình vững mạnh, với môi trường sống lành mạnh và đầy đủ sự quan tâm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thế hệ tương lai.

Nâng cao giáo dục khám sức khỏe tiền hôn nhân

Nâng cao chất lượng dân số bắt đầu từ việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngay từ những năm tháng đầu đời. Ảnh BVTD

Nâng cao chất lượng dân số bắt đầu từ việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngay từ những năm tháng đầu đời. Ảnh BVTD

Theo chuyên gia về dân số, một thế hệ trẻ khỏe mạnh, có đủ kiến thức và kỹ năng sẽ duy trì được cơ cấu dân số chất lượng và bền vững. Điều này tạo nền tảng để hình thành một nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Trẻ khỏe mạnh có nhiều cơ hội học tập và phát triển, dễ dàng tập trung vào việc học hành và đạt kết quả cao hơn. Đồng thời, việc duy trì sức khỏe tốt cũng giúp giảm gánh nặng y tế và xã hội trong tương lai, đặc biệt là giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành.

Vì vậy, đầu tư vào sức khỏe của trẻ em không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà còn là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng dân số trong tương lai. Để thực hiện điều này, bà Trần Thị Hồng nhấn mạnh, cần có sự chung tay từ các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội. Theo đó, các chính sách và giải pháp nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật và đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em. Chỉ khi sức khỏe của trẻ em được đảm bảo ngay từ đầu mới có thể hy vọng vào một tương lai với một dân số khỏe mạnh, năng động và có chất lượng.

“Để cải thiện chất lượng dân số, các bạn trẻ trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình nên khám sức khỏe trước khi kết hôn từ 3 đến 6 tháng. Đây là cơ hội để các cặp đôi được tư vấn dinh dưỡng, chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai. Ví dụ, các biện pháp phòng ngừa như tiêm ngừa các bệnh như sởi, quai bị, rubella hay kiểm tra dị tật ống dẫn thần kinh... sẽ giúp giảm thiểu những nguy cơ cho sức khỏe của cả mẹ và con, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số”, Thạc sĩ Trần Thị Hồng chia sẻ thêm.

Còn bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thị Hồng Nhu cho biết, để nâng cao chất lượng dân số trong tương lai cần phải truyền thông giáo dục cho người trẻ mới lập gia đình để họ biết được sức khỏe giới tính, sức khỏe mang thai, để mọi người đều cảm nhận được mà có những hành động thích hợp. Mỗi người cần biết giai đoạn vàng để sinh con như: sinh con đầu lòng trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Khi lên kế hoạch sinh con cần tìm các cơ sở dịch vụ y tế khám để được tư vấn một cách tốt nhất.

Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng dân số không chỉ phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ mà còn gắn liền với trình độ giáo dục, mức sống và tình trạng sức khỏe. Do đó, việc nâng cao chất lượng dân số là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước. Theo đó, các khu vực có tỷ lệ sinh thấp cần có giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tình hình, đặc biệt qua các chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sàng lọc trước sinh - sơ sinh.

Để cải thiện chất lượng dân số, bà Trần Thị Hồng lưu ý cần có những giải pháp cụ thể, không chỉ ở cấp độ chính sách mà còn ở mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Cả gia đình và cộng đồng đều cần phối hợp, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong việc nâng cao chất lượng dân số. Khi cả hai yếu tố này hoạt động hài hòa, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng dân số bền vững.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-dan-so-can-co-su-chung-tay-cua-cong-dong-20241226185700645.htm