Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản (SKSS), duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, giải quyết tốt vấn đề về cơ cấu dân số (DS) và phân bố dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng DS, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Long An.
Hưởng ứng ngày dân số Việt Nam
“Nâng cao chất lượng DS để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” là chủ đề truyền thông hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về DS năm 2024 (tháng 12 hàng năm) và Ngày DS Việt Nam (26/12). Nội dung chủ đề nhằm định hướng công tác DS theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác DS trong tình hình mới; Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế để thực hiện mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, nâng cao chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH.
Chi cục trưởng Chi cục DS tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Hưởng ứng Ngày DS Việt Nam, ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn tham gia tư vấn và đi khám, kiểm tra SKSS, trước hết là tập trung các đối tượng có nguy cơ cao. Đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cũng được chú trọng”.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền tác hại, hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng biên giới. Đội ngũ làm công tác DS đẩy mạnh việc cung cấp các kiến thức về SKSS, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu biết và phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai và dự phòng vô sinh.
Đồng thời, các địa phương tuyên truyền việc thực hiện chăm sóc và quản lý sức khỏe người cao tuổi; vận động người cao tuổi thường xuyên luyện tập thể dục - thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao kỹ năng tự chăm sóc và dự phòng các bệnh thường gặp.
"Thời gian qua, xã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng DS. Ngoài triển khai các mô hình, đề án, xã còn quan tâm theo dõi, đôn đốc, khuyến khích đội ngũ làm công tác DS, đặc biệt là lực lượng cộng tác viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, đưa chính sách DS mới đến với từng hộ dân vùng biên. Hoạt động giám sát việc thực hiện phong trào DS - SKSS được quan tâm. Xã duy trì 4 năm liền (2021-2024) thực hiện đạt mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa - Trần Thanh Mộng
"Chất lượng DS là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH của địa phương. Vì vậy, thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển xã thực hiện tốt công tác tham mưu UBND xã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về công tác DS và phát triển. Nhiều giải pháp giải quyết vấn đề về cơ cấu DS và phân bố dân cư, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS được triển khai. Vì vậy, các chỉ tiêu thực hiện công tác DS hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Túc Trực
Nâng cao chất lượng dân số
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác DS và phát triển. Nhiều Quyết định, Nghị quyết quy định một số chính sách DS được ban hành và sửa đổi phù hợp tình hình thực tế địa phương. Cụ thể là chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng DS cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Chính sách khuyến khích cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chế độ khen thưởng, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng DS đối với tập thể và cá nhân. Ngoài ra, các chế độ khuyến khích thực hiện dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ; chính sách khuyến khích cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em; khuyến khích các hoạt động nâng cao chất lượng DS.
Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS được các địa phương triển khai và mang lại kết quả rõ rệt. Viên chức DS xã Tân Ân, huyện Cần Đước - Phạm Ngọc Vân cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển được đẩy mạnh. Xác định nhiệm vụ của công tác DS trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục nâng cao chất lượng DS, xã triển khai nhiều hoạt động, đề án, mô hình phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đặc biệt, xã thực hiện đạt mô hình 60% tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con 4 năm liền (2021-2024). Từ đó, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương”.
Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ được duy trì thực hiện hàng năm ở các địa phương. Qua đó, giúp phụ nữ tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại cơ sở.
Chị Nguyễn Thị Bé Thơ (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Khi địa phương tổ chức chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, tôi đều tham gia. Đây là hoạt động ý nghĩa giúp phụ nữ tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại, tầm soát các bệnh thường gặp và điều trị kịp thời”.
Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS được triển khai bằng nhiều hình thức như phát thanh qua các cụm loa, thông tin lưu động, cổ động trực quan, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, nhóm và tổ chức vãng gia đến từng hộ gia đình. Ngoài ra, các địa phương đưa chính sách DS-SKSS vào quy ước ấp văn hóa và được thực hiện gắn với xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa.
Với nhiều giải pháp thiết thực, năm 2024, công tác chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi đạt 103,44%. Từ đó, giúp người cao tuổi phát hiện, quản lý, điều trị bệnh kịp thời, tăng số năm sống khỏe mạnh, chất lượng sống, thích ứng với giai đoạn già hóa DS.
Nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 99,33%. Hoạt động sàng lọc trước sinh đạt 99,23%, sàng lọc sơ sinh đạt 99,09%. Qua đó, phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, để trẻ em được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ở mức cân bằng tự nhiên (103,96 bé trai/100 bé gái).
Kết quả công tác DS đã đạt góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh. Đây còn là nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững./.