Truyền thông dân số - 'Đòn bẩy' trong thực hiện chính sách

Theo Phó Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục, Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Song Lê, truyền thông, giáo dục dân số đóng một vai trò hết sức quan trọng, tạo ra sự chuyển đổi nhận thức và hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, trên cơ sở cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin với nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Bám sát chủ trương, chính sách

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), các nội dung tuyên truyền, vận động về dân số đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời, đổi mới từ Trung ương đến cơ sở về nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện; đáp ứng yêu cầu tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

 An Giang tuyên truyền lưu động nhân kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26.12. Ảnh: ĐQ

An Giang tuyên truyền lưu động nhân kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26.12. Ảnh: ĐQ

Công tác truyền thông về dân số trong tình hình mới được thực hiện thường xuyên, liên tục và đẩy mạnh trong các sự kiện của ngành dân số, các ngày kỷ niệm; chuyển mạnh chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng truyền thông, giáo dục dân số toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.

Theo đó, nội dung, thông điệp tuyên truyền đổi mới theo từng chủ đề, theo từng sự kiện ngày Thalassemia Thế giới (8.5), ngày Dân số Thế giới (11.7), ngày Tránh thai Thế giới (26.9), ngày Quốc tế Trẻ em gái (11.10), tháng Hành động vì người cao tuổi (tháng 10) và ngày Quốc tế Người cao tuổi (1.10), tháng Hành động Quốc gia về Dân số (tháng 12) và ngày Dân số Việt Nam (26.12).

Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục về dân số được thực hiện đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp theo từng thời điểm, đặc điểm địa bàn, nhóm đối tượng dân cư; phát huy lợi thế các kênh truyền thông đa phương tiện trên nền tảng số; mở rộng hình thức truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn, trang Fanpage, Tiktok, Zalo, kênh Youtube và các phương tiện truyền tin khác; trọng tâm là phối hợp với các báo, đài Trung ương và địa phương thực hiện nhiều chương trình truyền hình, phát thanh, cung cấp tin bài...

Tính đến tháng 12.2024, đã duy trì và cung cấp thông tin thường xuyên trên trang mạng của Trung ương; hàng loạt các trang mạng xã hội của các tỉnh, thành phố, quận huyện, xã với trên 300 trang Facebook. Kênh TikTok về dân số đã được phát triển với 6.500 tài khoản theo dõi, hơn 45.600 lượt thích, tối đa 85.200 lượt xem/clip; kênh Zalo Trung ương với hơn 1.600 người quan tâm và tối đa 3.500 lượt hiển thị/bài viết...

Duy trì mạng lưới truyền thông sâu rộng

Theo Cục Dân số, lực lượng và mạng lưới truyền thông dân số lớn mạnh được duy trì và phát triển; bao gồm: các cơ quan dân số trung ương và 63 tỉnh/thành phố cả nước; sự vào cuộc của hơn 700 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) tham gia vào công tác truyền thông dân số và hơn 140.000 cộng tác viên dân số thực hiện nhiệm vụ truyền thông, vận động về công tác dân số.

 Tỉnh Quảng Ninh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

Tỉnh Quảng Ninh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sức mạnh tổng hợp của các bộ, ban ngành đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi Chính phủ; các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương đã tích cực, thường xuyên, liên lục thực hiện nhiệm vụ truyền thông về dân số.

Đại diện Cục Dân số chia sẻ rằng, công tác dân số trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ và giảm tỷ lệ giới tính khi sinh. Để đối phó với tình hình này, công tác truyền thông cần phải trở thành "đòn bẩy" mạnh mẽ trong việc thực thi chính sách, không chỉ phải chuyên nghiệp hơn mà còn phải có chiều sâu và chính xác trong thông tin.

Các chuyên gia khuyến nghị cần đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về dân số và phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung. Cụ thể, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về dân số thông qua các chương trình, phóng sự, sách, ảnh và các sự kiện truyền thông. Ngoài ra, việc tận dụng tối đa công nghệ thông tin và các hình thức truyền thông mới như truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội sẽ giúp mở rộng và làm phong phú thêm các sản phẩm truyền thông về dân số.

Thực hiện các nhiệm vụ về công tác truyền thông dân số trong Nghị quyết 21-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Truyền thông dân số đến năm 2030; Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Hành động thực hiện chương trình truyền thông dân số đến năm 2030; các tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch/kế hoạch lồng ghép thực hiện Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030. Bộ Y tế cũng đã ký Chương trình phối hợp triển khai các hoạt động dân số giai đoạn 2021 - 2025 với 7 bộ, ban, ngành tại Trung ương, tập trung vào việc tăng cường các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển của các bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/truyen-thong-dan-so-don-bay-trong-thuc-hien-chinh-sach-post400424.html