Nâng cao chất lượng dân số để phát triển bền vững
PTĐT - Ngày Dân số thế giới là sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11-7 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu.
Trong vòng 25 năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả trên cả 4 mặt: Quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số và phân bổ dân cư. Mức sinh được kìm hãm có hiệu quả, tỷ suất sinh đã giảm xuống còn 17,33%; tỷ lệ tăng tự nhiên dân số đạt 1,14%, chất lượng dân số ngày càng được nâng lên. Để có được kết quả đó, ngoài chiến dịch truyền thông trên diện rộng, các đơn vị, ban, ngành còn tổ chức tăng cường truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đến các địa phương có mức sinh cao, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hệ thống cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo thuận tiện, an toàn; 100% trạm y tế xã đều được trang bị phương tiện kỹ thuật làm dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi đã thực hiện được các dịch vụ SKSS/KHHGĐ thông thường. Nhờ đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng; tỷ lệ phụ nữ đến các cơ sở y tế thực hiện dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm sau tăng hơn năm trước; quy mô gia đình có từ 1 đến 2 con được đông đảo nhân dân hưởng ứng, trong đó có cả khu vực khó khăn, đồng bào dân tộc, vì vậy tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều giảm qua mỗi năm.Bà Hồ Thị Kim Xuân - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tân Sơn cho biết: Là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhưng nhờ công tác tuyên truyền tích cực, những năm qua công tác DS-KHHGĐ trên toàn địa bàn huyện Tân Sơn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh toàn huyện là 102 nam/100 nữ; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 4,1%; 4/17 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Trung tâm đã triển khai tốt hoạt động truyền thông, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ đến vùng khó khăn, vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, giúp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, lựa chọn thực hiện biện pháp tránh thai phù hợp.Bên cạnh đó, các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác DS-KHHGĐ cũng được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề CSSKSS vị thành niên, thanh niên, tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân... Các giải pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng dân số toàn tỉnh, đến nay tuổi thọ bình quân của người dân đạt trên 73 tuổi. Các chỉ số về SKSS chăm sóc đạt nhiều kết quả tiến bộ như mức sinh dần ổn định; tỷ lệ chết mẹ, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tiếp tục giảm. Đề án chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh được thực hiện tại 277 xã phường toàn tỉnh, tăng nhanh tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Phương - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Hiện nay cứ trung bình hơn 2 người trong độ tuổi lao động chỉ có 1 người phụ thuộc. Với cơ cấu dân số lý tưởng đó, cùng với cả nước tỉnh Phú Thọ đã bước vào “kỷ nguyên của cơ cấu dân số vàng”. Trong những năm tới, cùng với việc ổn định quy mô dân số, công tác dân số sẽ chuyển mạnh trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, trong đó đặc biệt nâng cao chất lượng dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ một số những khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng không bền vững và có chiều hướng tăng trở lại nếu không được kiểm soát kịp thời. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao, năm 2018 toàn tỉnh là 112 nam/100 nữ mà nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân còn hạn chế, tư tưởng trọng nam hơn trọng nữ vẫn còn nặng nề; tỷ suất sinh thô tăng cao, kiểm soát quy mô dân số chưa bền vững. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông cộng đồng. Các chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác dân số cơ sở còn nhiều bất cập; công tác xử lý các trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chưa đủ răn đe. Việc thực hiện các quy ước, hương ước thôn bản chưa được triển khai mạnh mẽ, nhiều địa phương có đưa nội dung KHHGĐ vào hương ước, quy ước thôn bản nhưng khi cần xử lý lại không nghiêm khắc theo đúng quy ước, hương ước đã đề ra.Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới không chỉ ngành y tế, mà các cấp, các ngành, các địa phương cần vận động nhân dân thực hiện mục tiêu “dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt” ở các khu vực, địa phương có mức sinh cao. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp cho từng nhóm đối tượng; thiết lập, từng bước mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật về CSSKSS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên trên cơ sở mạng lưới hiện có... Cùng với “cơ cấu dân số vàng”, việc quan tâm nâng cao chất lượng dân số tạo nguồn nhân lực dồi dào, là cơ hội lý tưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện phát triển, hoàn thành các mục tiêu KT-XH tại địa phương.