Nâng cao chất lượng dân số từ vùng núi đến miền biển

Các đơn vị y tế phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể tiến hành tuyên truyền về công tác dân số cho cư dân trên địa bàn. Cùng với đó duy trì tốt việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, duy trì các hoạt động tư vấn...

Bác sĩ Uông Đình Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về công tác dân số thì công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, đơn vị đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp bài bản, có chiều sâu.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe người cao tuổi cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe người cao tuổi cho người dân.

Trong đó, chú trọng các phương pháp truyền thông hiện đại, thông qua các nền tảng mạng xã hội để người dân dễ tiếp cận. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những định hướng công tác dân số và phát triển, công tác dân số trong tình hình mới.

Quảng Trạch là huyện có 5 xã vùng ven biển, việc thực hiện Đề án kiểm soát kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển cũng được chú trọng. Cụ thể, các đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phù hợp với đặc thù của cư dân vùng biển.

Trong đó tập trung vận động người dân bài trừ tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" để nối nghề đi biển của gia đình. Cùng với đó duy trì tốt việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, duy trì các hoạt động tư vấn phụ nữ mang thai, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và nạo phá thai an toàn…

Chị Nguyễn Thị Vân ở xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch có chồng là ngư dân thường xuyên làm việc dài ngày trên biển. Tất bật chăm lo gia đình nên việc chăm sóc sức khỏe sinh sản chị không mấy chú trọng. Từ khi được tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn về công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản chị cập nhật nhiều kiến thức. Từ đó chị Vân có kiến thức chăm sóc cho bản thân hơn, tự chủ động các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp.

Ngoài thăm khám, chị em phụ nữ được tư vấn, khám sức khỏe sinh sản.

Ngoài thăm khám, chị em phụ nữ được tư vấn, khám sức khỏe sinh sản.

Còn tại huyện miền núi Tuyên Hóa, Trung tâm Y tế huyện cũng đẩy mạnh truyền thông với các thông điệp chủ đạo, như: "Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con", "Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt"… Từ đó dần thay đổi nhận thức của người dân trong công tác dân số.

Bác sĩ Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện đơn vị đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 60 cuộc tuyên truyền về công tác dân số. Trung tâm và các trạm y tế cũng tư vấn cho hàng trăm phụ nữ mang thai, nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Cùng với đó, hoạt động truyền thông dân số được lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, thể thao… tại cộng đồng. Trên địa bàn, các CLB không sinh con thứ 3, CLB bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, thanh thiếu niên được duy trì hoạt động thường xuyên.

Đối tượng tư vấn, tuyên truyền của công tác dân số không chỉ có phụ nữ mà còn cả nam giới.

Đối tượng tư vấn, tuyên truyền của công tác dân số không chỉ có phụ nữ mà còn cả nam giới.

"Công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các vấn đề dân số. Từ đó, thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…", Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa chia sẻ.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, từ đầu năm 2024, đơn vị đã tiến hành tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tại các xã miền núi thu hút lượng lớn người tham gia.

Bác sĩ Nguyễn Công Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy cho biết, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn tồn tại quan niệm muốn sinh nhiều con dù đời sống còn nhiều khó khăn.

Cán bộ y tế, dân số từ xã, huyện thực hiện việc đến tận bản để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" trò chuyện, tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng đồng bào trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; không phân biệt con trai, con gái.

Nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác dân số được tổ chức ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc.

Nhiều hoạt động tuyên truyền về công tác dân số được tổ chức ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc.

Từ đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm rõ rệt. Người dân được tiếp cận với các dịch vụ DS-KHHGĐ. Phụ nữ khi sinh con đã đến trạm y tế hoặc có cô đỡ thôn bản hỗ trợ, qua đó giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều hủ tục được xóa bỏ và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới...

Viễn Phương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-tu-vung-nui-den-mien-bien-172240918170352828.htm