Nâng cao chất lượng đào tạo ngành học đặc thù gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer
Hơn 10 năm hình thành và phát triển, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn (SLASKA) đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Trường còn là nơi gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer.
Đào tạo ngành học đặc thù gắn với nhu cầu xã hội
Ngày 27/01/2023 Trường SLASKA thuộc Trường Đại học Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 03/QĐ-HĐT của Hội đồng Trường Đại học Trà Vinh trên cơ sở phát triển từ 03 đơn vị: Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, Khoa Ngoại ngữ và Khoa Sư phạm. Là ngôi trường đầu tiên và duy nhất trong cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo chính quy các chuyên ngành đặc thù về Ngôn ngữ Khmer, sư phạm tiếng Khmer, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Hiện nay, số lượng sinh viên, học viên đang học đại học và nghiên cứu sinh tại trường gần 2.500 học viên.
Thạc sĩ Thạch Sê Ha, Giảng viên tiếng Khmer, Trường SLASKA cho biết: hiện nay số lượng sinh viên tham gia học chương trình tiếng Khmer đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu…rất đông. Đặc biệt, có nhiều học sinh là dân tộc Kinh và dân tộc Stiêng cũng chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer.
Là dân tộc Kinh, thế nhưng sinh viên Trần Huyền Thư lại chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer của Trường SLASKA. Huyền Thư chia sẻ: cơ duyên để em chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer bởi em đang sinh sống nơi có đông đồng bào Khmer của tỉnh Bình Phước. Do đó, em rất muốn biết về lịch sử tiếng Khmer và Văn hóa của đồng bào Khmer nên chọn học ngành này.
Đồng cảnh ngộ với sinh viên Trần Huyền Thư, sinh viên Bùi Thị Kim Ngân (tỉnh Long An) gặp không ít khó khăn do những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa khi chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer. Kim Ngân cho biết: gia đình định hướng để em chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer. Do nhà em sống gần biên giới Campuchia, nếu biết tiếng Khmer sau này sẽ thuận lợi trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm tại địa phương. Lúc đầu học, em gặp khó khăn về chữ viết và cách phát âm. Sau đó, em khắc phục bằng cách luôn chú ý lắng nghe bài giảng tại lớp và tăng cường học từ vựng, giao tiếp nhiều hơn với các bạn dân tộc Khmer và tranh thủ thời gian học thêm ở chùa Điệp Thạch (thành phố Trà Vinh). Sau 03 năm rèn luyện, đến nay em đã có thể nói và viết thành thạo chữ Khmer.
Để hướng nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, hàng năm Trường SLASKA tổ chức Ngày hội việc làm và thu hút đông đảo sinh viên và nhà tuyển dụng từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Ngoài ra, trường còn thành lập Trung tâm Dịch vụ việc làm và đã ký kết với 200 doanh nghiệp để phục vụ cho Chương trình thực tập Co-op, gắn kết việc làm cung ứng lao động.
Tiến sĩ Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng Trường SLASKA cho biết: khi xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường có gắn kết nội dung thực tập, thực hành thực tế với các doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện để các em có cơ hội trải nghiệm tại doanh nghiệp và rút ngắn khoảng cách giữa học tại trường và công việc thực tế. Qua đó, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp đào tạo lại, khi các em bắt đầu công việc sau khi ra trường.
Đặc biệt đối với ngành Ngôn ngữ Khmer, kể từ năm học 2023 - 2024 sinh viên có thêm cơ hội đi thực tập tại Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải (THACOAGRI) tại Campuchia, các em sẽ được hưởng lương 06 triệu đồng/tháng và được công ty hỗ trợ miễn phí ăn, nghỉ. Đây cũng là cơ hội việc làm cho sinh viên, nếu như các em đáp ứng các điều kiện tuyển dụng của Công ty và mong muốn ở lại Công ty làm việc sau khi ra trường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, Trường SLASKA đã mở rộng đào tạo đa ngành nghề với nhiều hình thức và trình độ đào tạo từ Cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Trong đó, trường tổ chức tuyển sinh đào tạo 13 ngành trình độ đại học, 05 ngành trình độ thạc sĩ, 03 ngành trình độ tiến sĩ và 01 ngành Cao đẳng Giáo dục mầm non.
Nơi “giữ lửa” cho bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ
Không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, đào tạo cán bộ có trình độ cao, Trường SLASKA còn là nơi đào tạo những người “giữ lửa” cho bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ.
Với mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc mình, sinh viên Lâm Thị Kim Anh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) quyết định theo học ngành Ngôn ngữ Khmer.
Kim Anh chia sẻ: em thích nhất là học môn Phong tục và lễ hội Khmer Nam Bộ, bởi vì học môn này em có thể biết rõ hơn về các lễ hội của dân tộc mình như thời gian diễn ra lễ hội, chương trình tổ chức lễ hội như thế nào. Từ trước đến nay, em chỉ được nghe ông, bà kể lại mà chưa tìm hiểu sâu về các phong tục của đồng bào Khmer cho đến khi được học tại Trường Đại học Trà Vinh.
Còn với sư Thạch Lọt (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) tuy đã nhiều năm được tu học ở các chùa Khmer, nhưng sư vẫn đăng ký vào học ngành Ngôn ngữ Khmer với lý do: việc học chữ Khmer ở các chùa và Trường Đại học Trà Vinh tuy có điểm tương đồng nhưng cũng có những nét khác biệt trong cách truyền dạy giúp sư mở mang kiến thức. Sư thấy điểm khác biệt lớn nhất là học ở chùa có nhiều thời gian học các môn tìm hiểu về tiểu sử cuộc đời Đức Phật và ngữ pháp Pali, còn học ở Trường Đại học Trà Vinh thì có thể học nhiều môn chuyên ngành, trong đó có môn Pali, Ngữ âm học, từ vựng học tiếng Khmer và dịch thuật…
Để khuyến khích sinh viên theo học các ngành đặc thù, hiện nay Trường SLASKA thực hiện chính sách như: miễn 100% học phí cho sinh viên các ngành sư phạm (theo Nghị định số 116 của Chính phủ) và ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, ngoài ra mỗi sinh viên còn được hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng 450.000 đồng. Riêng những sinh viên theo học ngành Văn hóa học, Âm nhạc học được trường giảm 30% học phí. Nhà trường có tham gia bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer; các lớp bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Khmer, bồi dưỡng tiếng Khmer cho công chức, viên chức công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trong phạm vi cả nước… Đặc biệt là Trường Đại học Trà Vinh đã thực hiện và nghiệm thu thành công dự án cấp Bộ về Biên soạn Từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt với số lượng 84.000 từ, đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực đào tạo.
Tiến sĩ Ngô Sô Phe cho biết thêm: hướng tới Trường sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và các hoạt động phục vụ cộng đồng; trao đổi sinh viên, giảng viên, tình nguyện viên và hợp tác triển khai các dự án tài trợ. Đặc biệt trường sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyển sinh quốc tế ở bậc đại học và sau đại học. Đồng thời nhà trường đào tạo theo hướng đa dạng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer… giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: SỐC KHA