Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, việc sở hữu một chiếc ô tô không còn quá khó với nhiều gia đình, bởi thu nhập của một bộ phận dân cư tăng lên, trong khi giá xe giảm dần. Nhu cầu sử dụng xe ô tô ngày càng tăng cao, chính vì thế số lượng người tham gia thi bằng lái ngày càng nhiều. Cùng với nhu cầu đó chính là sự ra đời của các trung tâm đào tạo lái xe ô tô.
Học lái xe trên mô hình cabin 3D mô phỏng thực tế.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay trên cả nước có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm đào tạo lái ô tô. Với số lượng trung tâm đào tạo sát hạch nêu trên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu học và sát hạch lái xe của người dân và doanh nghiệp. Các trung tâm được xây dựng theo Quy chuẩn, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, sân sát hạch, xe sát hạch và các hạng mục công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe, được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe, hệ thống loa, màn hình tại phòng chờ để công khai quá trình và kết quả sát hạch của từng thí sinh, của từng khâu, được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động để Hội đồng sát hạch của các Sở Giao thông Vận tải sử dụng làm địa điểm tổ chức sát hạch lái xe cho người dân có nhu cầu. Các trung tâm sát hạch lái xe ngoài việc đảm bảo chương trình học theo quy định còn chú trọng dạy môn đạo đức người lái xe, giáo viên khi lên lớp có giáo án, giáo trình giảng dạy theo đúng kế hoạch đào tạo các khóa học, các môn học được tập trung dạy đủ số tiết nhất. Đánh giá về công tác đào tạo, sát hạch lái xe thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc quản lý đào tạo, sát hạch lái xe đã được đổi mới theo hướng xã hội hóa. Chương trình đào tạo lái xe được tham khảo chương trình của các nước có trình độ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình đào tạo đã được hoàn thiện theo hướng hội nhập quốc tế.
Tuy vậy, vẫn có một số cơ sở đào tạo chưa thực hiện đúng quy định về thời gian, chương trình và nội dung đào tạo; chưa có sự kết nối giữa dữ liệu giấp phép lái xe và dữ liệu giấy phép lái xe vi phạm, việc cập nhật dữ liệu giấp phép lái xe bị tước quyền sử dụng vào phần mềm chưa đầy đủ, chưa cập nhật các giấy phép lái xe bị tạm giữ; ngành Y tế chưa có dữ liệu khám sức khỏe cho người lái xe trên toàn quốc, nên có trường hợp sử dụng giấy khám sức khỏe giả để được học và cấp, đổi giấy phép lái xe… Tháng 3 năm 2020, qua đơn tố cáo của người dân Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục đường bộ Việt Nam), Bộ Giao thông Vận tải đã điều tra xác minh bằng cấp của giáo viên dạy lái xe thuộc các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe tại TP Hồ Chí Minh: Trung tâm Dạy nghề lái xe Tiến Phát; Trường Dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn; Trung tâm Dạy nghề lái xe Hiệp Phát. Kết quả có 54 trong tổng số 68 giáo viên dùng văn bằng, chứng chỉ giả không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Mới đây nhất, ngày 18/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt 3 bị can tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) để điều tra làm rõ hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341, Bộ Luật Hình sự. Theo cáo buộc, lãnh đạo trung tâm đã cho phép tuyển người có đủ điều kiện để tập huấn và ký hợp đồng làm giáo viên đào tạo sát hạch lái xe. Thế nhưng, nhiều giáo viên ký hợp đồng lại không trực tiếp giảng dạy, mà chỉ đứng tên trên hồ sơ, tài liệu.
Học viên luyện tập thực hành trên sa hình. Ảnh minh họa
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng lớn đến xã hội và trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, cũng như bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội hóa cao, cùng với quản lý số lượng lớn người học nên cũng không thể tránh khỏi một số hạn chế. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động này với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Về quản lý công tác này hiện đã phân cấp cho địa phương quản lý cụ thể là Sở Giao thông Vận tải, về phía Cục đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải chỉ quản lý chung về mặt quản lý nhà nước như hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật và thanh kiểm tra hoạt động này. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Cục đường bộ Việt Nam thường xuyên có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh và quy trình học của học viên tại các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm; đồng thời, xử nghiêm các học viên gian lận trong quá trình sát hạch lái xe.
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường kiểm tra tại các địa phương, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành công an, y tế và các bộ, ngành trong quản lý, giám sát đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe. Trong quý I/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 3 đoàn kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe trên cả nước và đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương.
Việc thanh kiểm tra nhằm sửa đổi, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, giúp phòng ngừa và xử lý tồn tại, vi phạm và hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định.
Phạm Kim