Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Năm 2024, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, người dân tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập ổn định.

Học viên tham gia lớp nghề nữ công gia chánh xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) nhận Chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học

Học viên tham gia lớp nghề nữ công gia chánh xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) nhận Chứng chỉ sau khi hoàn thành khóa học

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ người học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là người khuyết tật, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nông thôn. Đồng thời phối hợp đẩy mạnh truyền thông GDNN, đặc biệt là tuyên truyền trên nền tảng số theo Kế hoạch số 226/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển GDNN, lao động, việc làm tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các Trường Trung cấp thực hiện rà soát, đề xuất nhu cầu mua sắm trang thiết bị đào tạo theo nguồn vốn được phê duyệt trong năm 2024; phối hợp Sở Tài chính điều chuyển trang thiết bị từ Trung tâm GDNN huyện Tam Nông về Trường Trung cấp Thanh Bình và Trường Trung cấp Tháp Mười.

Để cập nhật các chương trình mới trong đào tạo, Sở LĐ-TB&XH thực hiện rà soát, lựa chọn đơn vị trường phối hợp đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành, nghề là thế mạnh tại địa phương và chỉnh sửa phù hợp với nhu cầu. Qua xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo đã đáp ứng được điều kiện thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo và nhu cầu của người học, các nhà tuyển dụng. Sở LĐ-TB&XH rà soát nhu cầu cần đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công 2 lớp học bồi dưỡng kỹ năng dạy học năm 2024 với 73 người, trong đó có 1 lớp (35 người) mở tại Công ty TNHH Hùng Cá - Cụm công nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình). Sở LĐ-TB&XH tổ chức cho giáo viên tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề cấp tỉnh, Quốc gia. Kết quả có 22 thí sinh đến từ các cơ sở GDNN đạt giải Nhất, Nhì, Ba; cử 8 nhà giáo thuộc 5 cơ sở GDNN dự thi Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 và đạt 1 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.

Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH triển khai, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 188/KH-UBND về tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp tác đào tạo, cung ứng lao động với các doanh nghiệp ở các ngành nghề như: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, hàn, xây dựng, chế biến... Năm 2024, có 113 học sinh, sinh viên tốt nghiệp học nghề tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giảm kinh phí đầu tư trang thiết bị, tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, các trường phối hợp với doanh nghiệp hợp tác đào tạo học viên theo chương trình đào tạo của cơ sở GDNN; hỗ trợ trang thiết bị và nguyên vật liệu. Đồng thời mời chuyên gia tham gia giảng dạy; tài trợ học bổng; tổ chức hội thảo chuyên đề với doanh nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, định hướng nội dung phối hợp đào tạo, cải tiến, bổ sung những kiến thức và kỹ năng mới, tiên tiến vào chương trình đào tạo phù hợp và theo nhu cầu của thị trường...

Với những nỗ lực của Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN, năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 17.097/15.000 học viên, đạt 114% kế hoạch, gồm hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, 6.568 người (bao gồm lao động tại các doanh nghiệp, bộ đội xuất ngũ, công an xuất ngũ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng từ ngân sách Nhà nước), góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 78,8%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 55,9%. Qua thống kê từ các cơ sở GDNN, sau học nghề, tỷ lệ học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm đạt trên 95%; trên 86% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm, 100% lao động có việc làm ngay và có thu nhập ổn định khi tham gia học nghề theo địa chỉ.

Lê Thanh

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-dao-tao-trong-linh-vuc-giao-duc-nghe-nghiep-128344.aspx