Nâng cao chất lượng dạy và học bằng sáng kiến
Việc lồng ghép nhiều chương trình giáo dục vào bài giảng là sáng kiến giúp học sinh hứng thú học tập. Ảnh: THÁI HÀ
Sáng kiến kinh nghiệm trong ngành GD-ĐT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường; đồng thời thể hiện năng lực của giáo viên, sự tâm huyết với nghề nghiệp của những người đứng trên bục giảng.
Với nhiều giáo viên, sáng kiến kinh nghiệm không chỉ là những sáng tạo trong quá trình dạy học mà còn là những đúc kết quý báu từ chính kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm phát triển năng lực cho học sinh.
Rút ruột nhả tơ
Năm 2019, Sở KH-CN (cơ quan thường trực Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh) đã tiếp nhận 78 hồ sơ đề nghị xét sáng kiến của công chức, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT tỉnh. Sau khi phân tích tính mới, tính hiệu quả, khả năng áp dụng và nhân rộng của các sáng kiến, Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh đã lựa chọn 10 sáng kiến đề nghị UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Năm 2019, cô Lương Thị Mỹ Liên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ có sáng kiến cấp tỉnh: “Lồng ghép trò chơi vào trong dạy học vật lý”. Nói về lý do thực hiện sáng kiến, cô Liên cho rằng, ngày nay đa số học sinh ngoài chương trình học ở trường đều phải học thêm, tham gia các lớp kỹ năng và thường về nhà với tâm trạng mệt mỏi. Việc đến lớp đối với nhiều em chính là cố gắng hoàn thành yêu cầu và nhiệm vụ học tập để vượt qua các kỳ thi. Trăn trở trong việc giúp học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập, tạo ra những giờ học hạnh phúc, tràn đầy năng lượng, cô Liên đã có sáng kiến lồng ghép trò chơi vào giờ dạy vật lý. Nội dung của sáng kiến là trong mỗi giờ học, giáo viên sẽ tích hợp nội dung giảng dạy với các hoạt động trình diễn thí nghiệm vật lý để tạo nên những buổi sinh hoạt lý thú giúp bổ sung kiến thức mới cho học sinh. Chương trình lồng ghép đảm bảo các yêu cầu: có mục đích giáo dục; có nội dung phong phú, dựa trên kiến thức chuyên môn, mang tính khoa học; hình thức tổ chức gọn nhẹ, dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn, vui tươi nhằm phát huy sự ham hiểu biết, giàu trí tưởng tượng, biết suy luận, nhanh trí, khéo léo của học sinh.
Cũng là sáng kiến cấp tỉnh năm 2019, ThS Trần Ngọc Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD-ĐT thực hiện đề tài: “Một số giải pháp xây dựng môi trường tiếng Việt để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Thực hiện giải pháp này, trong hai năm liền, ThS Trần Ngọc Hiệp và các cộng sự đã liên tục đi về các huyện miền núi, phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, giúp đỡ cha mẹ học sinh người DTTS cũng như cộng đồng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Bên cạnh làm tốt công tác truyền thông, những người thực hiện sáng kiến biên soạn tài liệu; chuẩn bị học liệu, thiết bị, đồ dùng dạy học; xây dựng thư viện thân thiện… với mục đích tạo hứng thú học tiếng Việt cho học sinh người DTTS.
Nói về kết quả đề tài xây dựng môi trường tiếng Việt để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS mang lại, ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa cho biết, việc thực hiện đề tài trên đã giúp học sinh đồng bào DTTS vượt qua rào cản về ngôn ngữ, có thể sử dụng tiếng Việt, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS trên địa bàn huyện.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học
Sự bùng nổ của KH-CN nói chung và công nghệ thông tin nói riêng đã tác động hết sức mạnh mẽ vào tất cả các ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có ngành GD-ĐT.
Ở quy mô toàn ngành, theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT, hàng năm, lực lượng cán bộ, giáo viên có nhiều sáng kiến cấp tỉnh, cấp ngành tập trung vào các mảng đề tài: đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác quản lý giáo dục. Trong những sáng kiến mang lại hiệu quả lâu dài và liên tục có sáng kiến xây dựng ngân hàng đề thi điện tử cho học sinh khối THCS, THPT. Từ năm 2015, Sở GD-ĐT Phú Yên đã hoàn thiện và liên tục bổ sung phát triển ngân hàng đề thi, phục vụ các kỳ thi, đánh giá năng lực học sinh khối 12 và thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc sử dụng bộ đề thi chung toàn tỉnh thời gian qua đã giúp Sở GD-ĐT đánh giá chất lượng giáo dục chung của tỉnh, từng trường, từng môn học, năng lực thực chất của giáo viên và học sinh… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; tạo sự đột phá trong kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Để phong trào phát huy sáng kiến kinh nghiệm được triển khai sâu rộng, hiệu quả, TS Phạm Văn Cường cho biết ngay từ đầu các năm học, Sở GD-ĐT đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mạnh dạn đưa ra ý tưởng, tìm tòi các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác; gắn việc thực hiện phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm với những cuộc vận động chung của toàn ngành, đồng thời chú trọng công tác thi đua, khen thưởng để qua đó khơi dậy lòng yêu nghề, yêu trò của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.