Nâng cao chất lượng ĐBQH từ thay đổi cơ cấu

Sau khi Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội được lùi lại do 404 ĐBQH đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp thứ 8, Ban Soạn thảo Dự thảo luật đã lấy ý kiến các ĐBQH về các vấn đề. Qua tổng hợp ý kiến ĐBQH cho thấy nhiều ĐBQH đề nghị làm rõ vị trí, vai trò của ĐBQH và ĐBQH hoạt động chuyên trách. Vấn đề được đặt ra nằm ở việc thay đổi cơ cấu lựa chọn ĐBQH.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của ĐBQH, Ban Soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã dự kiến các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo luật để báo cáo, xin ý kiến các cơ quan hữu quan. Theo đó nội dung đề xuất 2 phương án để các ĐBQH thể hiện quan điểm như về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, lương của ĐBQH hoạt động chuyên trách, kinh phí cho bộ phận tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH. Ở góc độ Trưởng ban Soạn thảo Dự thảo luật, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây đều là vấn đề then chốt, căn bản, làm nền tảng cho Quốc hội khóa sau. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề như xác định vị trí đặc biệt quan trọng của Quốc hội trong bộ máy nhà nước; tránh xu hướng hành chính hóa tổ chức và hoạt động của Quốc hội bằng việc quy định nhiều tầng nấc trong tổ chức các cơ quan của Quốc hội và các ĐBQH; coi ĐBQH là hạt nhân trung tâm của Quốc hội để xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu và có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Ông Phúc cũng cho rằng, việc sửa đổi lần này không thể nói nâng cao chất lượng hiệu quả chung chung mà có những vấn đề phải nghiên cứu để có những sửa đổi hết sức cụ thể như tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, giảm số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp đều là những vấn đề cần được thảo luận kỹ lưỡng. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức các cuộc làm việc, tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi về các vấn đề liên quan đến dự thảo luật, qua đó tiếp thu được nhiều nhất trí tuệ, tâm huyết đóng góp cho dự thảo luật, không duy ý chí.

Vậy vấn đề đặt ra làm sao để nâng cao chất lượng của ĐBQH, ông Bùi Văn Phương- Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, phải sửa đổi cách thức lựa chọn ĐBQH. Bây giờ tất cả các cán bộ từ cấp thôn, xóm đều có quy hoạch gắn với đào tạo bồi dưỡng. Tuy nhiên ĐBQH là một nghị sĩ, chính khách quốc gia lại không có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng vì hiện nay mới quy hoạch ĐBQH chuyên trách, trong khi ĐBQH chuyên trách mới chiếm hơn 30% trong cơ cấu. “Đây chính là mặt yếu của ta hiện nay cho nên cần phải sửa đổi vấn đề này”-ông Phương nói và cho rằng cần phải có chính sách, thể chế sửa đổi Đoàn ĐBQH tại địa phương phải là cơ cấu độc lập tương đối với địa phương, phải là “cánh tay nối dài của Quốc hội”, là tai, mắt của Quốc hội tại địa phương mới phát huy được vai trò của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH chứ nếu vẫn giữ như hiện nay là thuộc địa phương thì khó có thể nói thẳng lên tiếng nói của mình.

Đề cập đến thay đổi cơ cấu lựa chọn ĐBQH, ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm tỷ lệ ĐBQH kiêm nhiệm để hoạt động cho hiệu quả. Bởi đơn cử như HĐND ở địa phương, giám đốc sở, ngành này không chất vấn giám đốc sở, ngành khác vì có suy nghĩ anh không chất vấn tôi, tôi không chất vấn anh. Trong khi đó, theo ông Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), việc cơ cấu hợp lý ĐBQH kiêm nhiệm còn làm tăng thêm sức mạnh của Quốc hội. Nếu cơ cấu không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng ĐBQH không toàn tâm toàn ý cho Quốc hội, đóng góp cũng hạn chế. Do đó Quốc hội cần tính toán để cơ cấu, giới thiệu người nào có thể toàn tâm, toàn ý và trách nhiệm với nhiệm vụ ĐBQH, không thể phân bổ đồng đều, đủ thành phần vì Quốc hội là tìm ra những ĐBQH có năng lực và điều kiện để làm nhiệm vụ dân cử.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/nang-cao-chat-luong-dbqh-tu-thay-doi-co-cau-tintuc456040