Nâng cao chất lượng dịch vụ công: Con người là yếu tố quyết định

Để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, cán bộ công chức cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ đối với công dân.

Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn tại Hội nghị triển khai đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) năm 2023 đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP, do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội tổ chức chiều 19/6.

Chỉ số hài lòng của người dân tăng cao

Báo cáo kết quả SIPAS năm 2022, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội TP Hà Nội Nguyễn Hải Long cho biết: Tổng hợp từ kết quả khảo sát, đo lường Chỉ số SIPAS năm 2022 cho thấy, người dân, tổ chức ghi nhận, đánh giá cao sự phục vụ của các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố. Kết quả chỉ số SIPAS trung bình của 2 khối sở và huyện đều được cải thiện, nâng cao so với năm 2021. Khối Sở, kết quả Chỉ số SIPAS trung bình năm 2022 đạt 90,19%, tăng 1,07% so với năm 2021 (89,12%). Khối huyện, kết quả Chỉ số SIPAS trung bình năm 2022 đạt 93,49%, tăng 2,4% so với năm 2021 (91,08%).

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hải Long, mặc dù kết quả Chỉ số hài lòng chung các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố đạt được kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như kết quả Chỉ số SIPAS giữa các đơn vị trong Khối không đồng đều. Còn một số cơ quan đơn vị có kết quả yếu tố thấp dưới 80% cần có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công để cải thiện mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, như các Sở: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Hai Bà Trưng và UBND huyện Ba Vì. “Qua cuộc khảo sát cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công” – ông Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.

Chia sẻ về kế hoạch triển khai phương án khảo sát, đo lường chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP năm 2023, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết: Viện phân công 132 cán bộ, viên chức và cộng tác viên trực tiếp khảo sát tại 52 đơn vị. Tổ chức 3 đoàn khảo sát theo kế hoạch. Thời gian khảo sát được phân bố từ tháng 7/2023 đến tháng12/2023.

Đối với, nhiệm vụ "Khảo sát, đo lường và nghiên cứu, phân tích sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cấp phép xây dựng; Dịch vụ y tế công; Dịch vụ giáo dục công trên địa bàn Hà Nội năm 2023" sẽ được kết hợp khảo sát trực tuyến và trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị và khảo sát trực tiếp tại các cơ sở y tế công, giáo dục công.

Với nhiệm vụ "Đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố năm 2023", phương án khảo sát sẽ tiến hành trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hành chính công

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội trong thực hiện có hiệu quả đo lường Chỉ số SIPAS năm 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, cần phải thay đổi tư duy, cách làm, mục tiêu là nâng cao chất lượng hành chính công. Để làm được việc này, đầu tiên là phải nâng cao cơ sở vật chất, hệ thống máy móc vận hành, thiết bị đi kèm. Đồng thời, tạo môi trường làm việc thoải mái cho cán bộ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ.

Đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến cần phải nâng cấp sao cho đơn giản, dễ thao tác, dễ tiếp cận. Đi kèm với đó, các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần phải đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời, phải xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tiến tới kết nối hình thành trung tâm điều hành.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, một trong những yếu tố quyết định và quan trọng nhất vẫn là con người thực thi. Cán bộ công chức cần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ đối với công dân. Cần tăng cường tần suất kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý ngay các trường hợp vi phạm về thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy, giờ giấc làm việc. Chấn chính, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức đòi hỏi giấy tờ sai quy định, tự đặt thêm khâu công việc, nhũng nhiễu tiêu cực.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng yêu cầu các Sở, cơ quan tương đương, UBND cấp huyện, xã cần phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và các cơ quan liên quan đảm bảo việc nghiên cứu và khảo sát, đo lường đạt kết quả tốt nhất.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-cao-chat-luong-chat-luong-dich-vu-cong-con-nguoi-la-yeu-to-quyet-dinh.html