Cà Mau: Tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút, mời gọi đầu tư

Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút được 7 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký trên 2.120 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 có 3 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 228,7 tỷ đồng).

Tôm đã qua sơ chế để làm sản phẩm thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tôm đã qua sơ chế để làm sản phẩm thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong mục tiêu đưa nền kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến thu hút, mời gọi đầu tư hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp. Năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cà Mau xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 36 bậc).

Đồng thời, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng 6 bậc so với năm 2022 và nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước.

Ðây là lần đầu tiên Chỉ số PCI Cà Mau đứng thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh việc ban hành danh mục mời gọi đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đang tập trung mời gọi đầu tư các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen…

Không dừng lại ở đó, nhằm tập trung cho hoạt động xúc tiến đầu tư và hợp tác đầu tư nước ngoài, địa phương cũng đã ban hành Kế hoạch tăng cường xúc tiến đầu tư và hợp tác đầu tư nước ngoài năm 2024 và các năm tiếp theo.

Song song đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, định kỳ hằng tuần, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ; đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương các cấp để có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp…

Với những giải pháp đã triển khai, từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút được 7 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký trên 2.120 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 có 3 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 228,7 tỷ đồng).

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, qua phân tích đánh giá kết quả PCI cho thấy vẫn còn một số hạn chế như vẫn còn 4/10 chỉ số thành phần thuộc nhóm có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước, gồm thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, chi phí không chính thức và tính minh bạch.

Bên cạnh các chỉ tiêu, chỉ số thành phần có điểm tăng không bền vững, còn những chỉ số thành phần có thứ hạng, điểm số thấp và nhiều chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chia sẻ kết quả trên là tiền đề quan trọng nhằm giúp địa phương “nhận diện” những khó khăn còn tồn tại, qua đó đề ra những giải pháp phù hợp tháo gỡ, cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, không chỉ cho năm 2024 mà còn cho những năm tiếp theo.

Cụ thể, để tiếp tục cải thiện mạnh các chỉ tiêu, góp phần nâng cao điểm số các chỉ số thành phần thấp điểm và duy trì, phát huy các chỉ tiêu, chỉ số thành phần tăng điểm và có chuyển biến tích cực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Cà Mau, các tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá kết quả PCI tỉnh Cà Mau năm 2023, đề xuất giải pháp trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao, tham mưu ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI năm 2024 và những năm tiếp theo, nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính của địa phương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đang tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh và Quyết định số 137/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh Cà Mau.

Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả về cải cách hành chính; cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của tỉnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các cơ quan chủ trì các nội dung lĩnh vực được phân công cần tham gia, vào cuộc quyết liệt hơn nữa đối với cải cách hành chính của tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu cải thiện Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của tỉnh.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi, yêu cầu các cơ quan, ban, ngành tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục duy trì điểm số đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số Cải cách hành chính đã được chấm điểm tối đa.

Tỉnh phấn đấu các lĩnh vực đánh giá, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS được cải thiện so với kết quả đã đạt được năm 2023; tăng điểm của từng tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm hoặc đạt điểm chưa cao.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nói chung và Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của tỉnh nói riêng.

Tỉnh Cà Mau chú trọng nâng cao chất lượng, tính kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của tỉnh. Trong năm, tỉnh phấn đấu có ít nhất 3 sáng kiến hoặc giải pháp mới về cải cách hành chính được Bộ Nội vụ công nhận; mỗi sở, ban, ngành tỉnh phấn đấu có ít nhất một sáng kiến hoặc giải pháp mới trong thực hiện cải cách hành chính có phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Chỉ số PAR INDEX năm 2023 của tỉnh Cà Mau đạt 86,89%, xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 1,16% nhưng giảm 4 bậc so với năm 2022.

Trong khi đó, Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh đạt 84,14%, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 1,53%, giảm 15 bậc so với năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ca-mau-tang-nang-luc-canh-tranh-trong-thu-hut-moi-goi-dau-tu-post963021.vnp