Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú để thu hút khách du lịch
Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, hiện nay, ngành du lịch tỉnh đang phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh lượng khách ngày càng tăng, thách thức lớn đối với lĩnh vực dịch vụ lưu trú khi cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng là rất lớn. Việc cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch càng trở nên cấp bách khi Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ hội Hòa bình vào năm 2024.
Cơ sở lưu trú nhỏ chiếm trên 70%
Số liệu 6 tháng đầu năm 2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho thấy, ngành du lịch tỉnh đang phục hồi tốt. Theo đó, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị đạt 1.191.630 lượt, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, hoạt động kinh kinh doanh lưu trú và du lịch lữ hành khởi sắc; số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ ước đạt 438.822 lượt, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượt khách lưu trú 298.700 lượt, tăng 3,5 lần, số ngày khách lưu trú cũng tăng 3,2 lần.
Quảng Trị hiện có 221 cơ sở lưu trú với hơn 3.208 buồng, trên 5.326 giường. Tuy nhiên, chỉ có 65 khách sạn đạt từ 1 - 4 sao và khách sạn đạt chuẩn; còn 156 nhà nghỉ, nhà khách, homestay. Có thể thấy, số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh ở quy mô nhỏ chiếm phần lớn.
Thực tế cho thấy, năng lực về nơi ăn, chốn ở phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, năm 2024 Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình.
Theo ông Phạm Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, dự kiến chương trình sẽ diễn ra vào tháng 7, đây sẽ là áp lực rất lớn cho vấn đề hậu cần phục vụ lễ hội, trong đó có dịch vụ lưu trú bởi thông thường hàng năm, vào mỗi dịp tháng 7, lượng khách về Quảng Trị đã rất đông, hệ thống lưu trú trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hết công suất.
“Nếu thêm một lượng khách lớn về tham dự lễ hội hòa bình đến cùng thời điểm này nữa thì hệ thống cơ sở lưu trú rất khó để đáp ứng được. Vì vậy, kiến nghị tỉnh xem xét thay đổi thời gian tổ chức lễ hội”, ông Vinh nói.
Ngành dịch vụ du lịch luôn đòi hỏi sự đổi mới nhưng sau COVID-19, cơ sở vật chất xuống cấp, trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đầu tư cơ sở lưu trú phục vụ du lịch cần nguồn vốn lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm. Đặc biệt, ngành phục vụ du lịch tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ do lượng khách tập trung về Quảng Trị chủ yếu vào tháng 4, tháng 7 hằng năm, khách tham quan với ngày số khách lưu trú ít nên doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư.
Dù hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích tại các cơ sở lưu trú cho khách hàng, song vì đa phần doanh nghiệp trên địa bàn quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế nên “cái khó bó cái khôn”. Trong khi xu hướng, yêu cầu của khách du lịch ngày càng yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ.
Đây là thách thức cho hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Vì thế, tỉnh cần có các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ và định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh lưu trú nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng các chương trình kích cầu du lịch; có chính sách khuyến khích các đơn vị lữ hành tăng số lượng khách về Quảng Trị hàng năm.
Nhân lực thiếu và yếu
Để đáp ứng nhu cầu công việc, từ đầu năm đến nay, Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà liên tục mở các lớp đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ tại chỗ cho nhân viên.
Dù đang là thời gian cao điểm đón khách du lịch nhưng tại khách sạn này, đội ngũ nhân viên phục vụ vẫn thay phiên nhau tham gia các lớp đào tạo mới và đào tạo lại nghiệp vụ về buồng, lễ tân, nhà hàng.
Tuy nhiên, theo thầy giáo Trịnh Nhật đến từ TP. Hồ Chí Minh - người trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ Quản lý nhà hàng cho nhân viên Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, để có một nhân viên phục vụ du lịch hành nghề cần thời gian làm việc 3 - 5 năm chứ không thể đào tạo, hướng dẫn là có ngay được.
Kể cả nhân viên dù làm việc lâu năm nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đào tạo lại bởi trong quá trình làm việc nhiều người theo áp lực về thời gian, lượng khách phục vụ nên đôi khi thiếu chỉnh chu, thiếu sót trong khâu phục vụ khách. Sự thiếu sót này nếu không chỉnh sửa, hướng dẫn lại sẽ thành thói quen không tốt về nghiệp vụ.
Theo số liệu thống kê của Sở VH,TT&DL, thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát, Quảng Trị có khoảng 4.800 lao động phục vụ trong ngành du lịch. Tuy nhiên, đã có trên 40% lao động ngành du lịch chuyển nghề, bỏ nghề do tác động của dịch bệnh nên khi kinh tế phục hồi, du lịch mở cửa hoạt động trở lại thì doanh nghiệp du lịch, trong đó có lĩnh vực lưu trú đều thiếu nhân lực phục vụ. Để đảm bảo hoạt động, doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động, trong đó có nhiều lao động chưa qua đào tạo nên kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, sau COVID-19, việc tuyển dụng lao động ngành du lịch rất khó khăn do nhu cầu tuyển dụng của các khách sạn đều tăng trong khi nguồn cung hạn hẹp.
Thực tế, so với các tỉnh, thành trong khu vực, du lịch Quảng Trị chưa phát triển, chưa đủ sức hấp dẫn thu hút người lao động có tay nghề đến địa phương làm việc.
Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong các cơ sở lưu trú, do vậy bên cạnh chính sách tuyển dụng mới, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thì môi trường làm việc tốt và chính sách ưu đãi cũng là cơ sở, điều kiện cần thiết giúp cho người lao động yên tâm gắn bó với công việc.
Bên cạnh đó, đến nay tỉnh vẫn chưa có cơ sở đào tạo các chuyên ngành du lịch nên không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tuyển dụng mới mà việc đào tạo nhân lực của doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng đủ tiềm lực để hợp đồng giáo viên từ các tỉnh, thành phố khác về giảng dạy tại chỗ như Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà.
Kiểm tra chất lượng, nâng cấp cơ sở
Cơ sở dịch vụ lưu trú là khâu tạo dựng ấn tượng đầu tiên đối với khách du lịch, thể hiện sự phát triển của ngành du lịch địa phương.
Vì thế, việc nâng cao chất lượng dịch vụ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, nghỉ, kèm các dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, nét đẹp văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất Quảng Trị. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt khi Lễ hội Vì Hòa bình sắp đến gần.
Có thể thấy, thời gian chuẩn bị cho sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế như Lễ hội Hòa bình năm 2024 không còn nhiều. Vì thế, cùng với việc triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho lễ hội, tỉnh cần rà soát, kiểm tra đánh giá toàn diện hiện trạng, năng lực của cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Thông qua công tác kiểm tra sẽ có định hướng để vận động, khuyến khích doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế về cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉnh trang khuôn viên, mở rộng các dịch vụ bổ trợ…
Hướng dẫn cơ sở lưu trú thực hiện đăng ký công nhận loại, hạng khách sạn theo quy định cũng như chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động lưu trú du lịch.
Theo Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hồ Văn Hoan, hiện sở đang tổng hợp nhu cầu để triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 theo Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 của HĐND tỉnh.
Trong chính sách này có việc hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Sở sẽ phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ du lịch dành cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh doanh lưu trú du lịch, khách sạn tiêu biểu ở một số tỉnh, thành trong nước thông qua các chương trình liên kết kích cầu du lịch.
Về số lượng các cơ sở lưu trú, thời gian tới sẽ có một số dự án nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đang gấp rút hoàn thành để đưa vào hoạt động.
Sở đang tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất tỉnh có các chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch nhất là hệ thống cơ sở lưu trú.
Cùng với ngành chức năng, để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc đầu tư trang thiết bị tiện nghi, nâng cấp số lượng, cải tiến chất lượng dịch vụ, tạo không gian xanh, sạch, đẹp, thoáng mát.
Mỗi cơ sở lưu trú cần là điểm đến thân thiện, đảm bảo an toàn, hấp dẫn; đảm bảo đội ngũ nhân viên có thể thực hiện tốt các nghiệp vụ, giải quyết yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, chuyên nghiệp; tích cực chủ động tìm tòi và phát huy các món ăn truyền thống, đặc sản của địa phương… góp phần phát triển du lịch của địa phương.