Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở
ĐBP - Xác định đội ngũ cán bộ cơ sở là lực lượng quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh; những năm qua, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở được tỉnh quan tâm, chú trọng, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ Bộ phận “Một cửa” UBND xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Năm 2021, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức 341 lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm… Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, kiến thức quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực do đơn vị phụ trách; cử cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài tỉnh. Thống kê của Sở Nội vụ, số lượt cán bộ, CCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong năm 2021 là 27.071 lượt người, đạt 104,2% kế hoạch.
Đánh giá từ Sở Nội vụ, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành bài bản, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Việc cử cán bộ, CCVC đi đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC theo các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tiễn, đã hướng đến các vấn đề thiết thực đặt ra, nảy sinh trong quá trình thực thi công vụ.
Tại huyện Điện Biên, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, CCVC trên địa bàn, Ban Tổ chức và Nội vụ huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả. Trưởng ban Tổ chức và Nội vụ huyện Điện Biên Đỗ Xuân Thọ cho biết: Ban thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ, CCVC từ cấp xã tới huyện, xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ, CCVC sau đào tạo; hướng dẫn, định hướng các xã lựa chọn cán bộ, CCVC ở các ngành, lĩnh vực còn yếu để tập trung bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Ban đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở sau đào tạo. Cùng với đó, Ban chú trọng khâu tuyển dụng đầu vào, sử dụng và phát huy hiệu quả số lượng cán bộ, CCVC hiện có; sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong các cơ quan, đơn vị và thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ, CCVC đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, dân chủ, công khai, đủ số lượng, tiêu chuẩn và cơ cấu...
Kết quả trong năm 2021, toàn huyện Điện Biên có 8.672/8.145 lượt cán bộ, CCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạt 106% kế hoạch. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giúp đội ngũ cán bộ ở cơ sở đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo, áp dụng kiến thức về các lĩnh vực và cập nhật nhanh các văn bản mới của Nhà nước; nắm bắt kịp thời các thông tin, nâng cao hiệu quả giải quyết các công việc, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.
Đảng bộ xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở. Đồng chí Lò Thị Vân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng ủy đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá phân loại cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Đảng ủy xã luôn tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức tự học hỏi, tìm hiểu, trau dồi kiến thức. Nhờ đó, năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức ở địa phương không ngừng được nâng lên. Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ xã có 15/16 đồng chí đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 14/16 đồng chí có trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế: Năng lực một số cán bộ ở cơ sở chưa ngang tầm với vai trò, vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; việc đào tạo, bồi dưỡng từng lúc, từng nơi chưa gắn với quy hoạch, xuất phát từ nhu cầu nâng cao năng lực làm việc theo chức danh, vị trí việc làm; công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức...
Tuy nhiên, với những giải pháp thiết thực đang được triển khai trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở thời gian qua, đã khuyến khích đội ngũ cán bộ, CCVC tích cực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, phát triển, hăng hái thi đua trong công tác. Qua đó, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.