Nâng cao chất lượng đội ngũ: Công bằng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập

Bồi dưỡng nhà giáo luôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thuộc nhóm biên soạn tài liệu mô-đun 5 bồi dưỡng giáo viên phổ thông tham gia tập huấn và chuyển giao tài liệu. Ảnh: NTCC

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thuộc nhóm biên soạn tài liệu mô-đun 5 bồi dưỡng giáo viên phổ thông tham gia tập huấn và chuyển giao tài liệu. Ảnh: NTCC

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, nội dung này được quy định cụ thể, rõ ràng, hy vọng sẽ là hành lang pháp lý thúc đẩy nhà giáo bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn.

Tường minh khái niệm “đào tạo” và “bồi dưỡng”

Theo TS Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về cơ bản đã đầy đủ; tuy nhiên, không tường minh hai khái niệm “đào tạo” và “bồi dưỡng”; chưa xác định trách nhiệm cụ thể của cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

TS Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng, trên thực tế đang có sự khác biệt lớn về bồi dưỡng nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Đối với nhà giáo công lập việc tham gia bồi dưỡng là bắt buộc theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo phải tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định của ngành Giáo dục, nhà giáo phải học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu nhiệm vụ hằng năm hoặc yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực tế, nhà giáo đã phải tham gia các khóa học có thể không cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình, dẫn đến chồng chéo, quá tải văn bằng, chứng chỉ. Nhiều địa phương chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa ngành Nội vụ và Giáo dục trong việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Đối với nhà giáo ngoài công lập, Nghị quyết số 29-NQ/TW yêu cầu: “Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...” nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện chủ trương này và việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo tại cơ sở giáo dục ngoài công lập ít được quan tâm.

Trong khi một số trường ngoài công lập chủ động tổ chức bồi dưỡng và bản thân nhà giáo tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của nhà trường nơi làm việc thì nhiều trường ngoài công lập chưa quan tâm đến công việc này. Ở một số địa phương, nếu trường ngoài công lập không nộp đủ kinh phí cho ban tổ chức lớp thì giáo viên sẽ không được dự các lớp bồi dưỡng cùng với giáo viên trường công lập.

Góp ý dự thảo Luật Giáo dục, TS Nguyễn Vinh Hiển đề nghị cần quy định rõ việc phân công, phân cấp quản lý nhà giáo từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm các cơ quan của ngành Giáo dục (Bộ, sở, phòng) được chịu trách nhiệm chính, chủ động tham mưu với Chính phủ, UBND các cấp và tổ chức thực hiện toàn bộ các khâu về công tác quản lý nhà giáo; đồng bộ từ quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng.

Quy định thống nhất các yêu cầu về chức danh nhà giáo, chuẩn nhà giáo và chuẩn nhà giáo đứng đầu cơ sở giáo dục. Chuẩn cần có quy định mức độ từ thấp đến cao để tạo cơ hội cho nhà giáo phát triển chuyên môn liên tục; làm cơ sở pháp lý cho việc thiết kế đầu ra của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; làm căn cứ pháp lý thống nhất trong đánh giá, tuyển dụng nhà giáo theo vị trí việc làm, công nhận chức danh, quy hoạch, bổ nhiệm nhà giáo, luân chuyển nhà giáo giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

 Giáo viên trình bày bài tập nhóm trong 1 lớp tập huấn do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức. Ảnh: website nhà trường.

Giáo viên trình bày bài tập nhóm trong 1 lớp tập huấn do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức. Ảnh: website nhà trường.

Thúc đẩy tự học, tự bồi dưỡng

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Hà Nội nhận định, dự thảo Luật đã quy định tương đối rõ những vấn đề liên quan đến công tác bồi dưỡng nhà giáo. Trong đó nêu việc bồi dưỡng vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của giáo viên; quy định trách nhiệm theo hệ thống ngành dọc, từ Bộ đến sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo về nội dung này; quy định các hình thức bồi dưỡng...

Những quy định, chính sách tạo hành lang, khuyến khích, tạo động lực, thúc đẩy giáo viên bồi dưỡng là quan trọng, cần thiết, nhưng đây là tác động mang tính “ngoại lực”. Hoạt động bồi dưỡng, tự bồi dưỡng hiệu quả nhất khi xuất phát từ “nội lực” - nhu cầu tự thân của nhà giáo. Từ đó, PGS Nguyễn Văn Hiền cho rằng, mô hình kết hợp hệ thống từ trên xuống dưới theo hình thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ là tốt nhất - điều này có thể quy định trong văn bản dưới luật.

5 nguyên tắc hiệu quả trong phát triển chuyên môn của giáo viên cũng được PGS.TS Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh. Trong đó bao gồm: Độ dài thời gian của việc bồi dưỡng phải phù hợp và liên tục; có sự hỗ trợ giáo viên trong quá trình vận dụng; cần giới thiệu cho giáo viên kiến thức, kỹ năng mới bằng nhiều kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực; làm mẫu là biện pháp hiệu quả nhất giúp giáo viên hiểu về phương pháp dạy học mới; nội dung được trình bày với giáo viên cần cụ thể.

Bày tỏ đồng tình với những quy định về bồi dưỡng trong dự thảo Luật Nhà giáo, cô Trần Thị Trang - giáo viên Trường Tiểu học & THCS A Xing, Hướng Hóa (Quảng Trị) đồng thời đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng giáo viên. Trong đó có việc cung cấp thông tin, tài liệu trước khi bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; hướng dẫn, khuyến khích nhà giáo chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung tập huấn, bồi dưỡng.

Đặc biệt, cần đổi mới phương pháp tập huấn, bồi dưỡng, tạo ra không khí hứng khởi để giáo viên có sự tương tác với người hướng dẫn và đồng nghiệp. Tổ chức có chọn lọc các hội thi, cuộc thi để tránh áp lực cho giáo viên, đảm bảo chất lượng giảng dạy đại trà ở trên lớp, đồng thời cũng là cơ hội để đội ngũ được học tập và cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn.

Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên, theo thầy Huỳnh Đại Dương - giáo viên Trường THPT Đặng Trần Côn (Thừa Thiên Huế), 3 nội dung quan trọng cần làm là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ; đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng; xây dựng môi trường sư phạm và cơ chế chính sách cho giáo viên.

Theo đó, nội dung bồi dưỡng cần thiết thực; phương pháp bồi dưỡng chú trọng nâng cao ý thức và rèn thói quen tự học của giáo viên. Kết hợp chặt chẽ giữa tự học của cá nhân với học tập, hợp tác với đồng nghiệp, kiểm tra của cán bộ quản lý. Cùng đó, khen thưởng kịp thời, ban hành chế độ chính sách phù hợp nhằm động viên đội ngũ bồi dưỡng, nâng cao năng lực…

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, bồi dưỡng nhà giáo bao gồm bồi dưỡng bắt buộc, tự chọn, tự nguyện. Bồi dưỡng bắt buộc và tự chọn gồm các khóa học do cơ quan quản lý giáo dục, chủ quản, chính quyền địa phương, hiệp hội hoặc nhà trường tổ chức; được đánh giá sau khi kết thúc, nhà giáo được cấp giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ nếu hoàn thành khóa học. Bồi dưỡng tự nguyện, nhà giáo tham gia các khóa học hoặc tự học theo nhu cầu và sở thích cá nhân; có thể được đánh giá hoặc không sau khi kết thúc; nhà giáo có thể được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc không.

Nguyễn Nhung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-cong-bang-giua-nha-giao-cong-lap-va-ngoai-cong-lap-post692492.html