Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên: Chú trọng kỹ năng xử lý tình huống
Đổi mới giáo dục không chỉ đòi hỏi các trường học chú trọng đến chuyên môn của giáo viên mà còn phải nâng cao kỹ năng xử lý tình huống.
Điều này nhằm hạn chế tối đa sự cố phát sinh trong dạy học; tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.
Bồi đắp hằng ngày
Tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), cô Trần Thị Hợi - Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường không chỉ chú trọng xử lý tình huống trong khuôn khổ trường học mà ở từng tiết học hay lúc giáo viên giao tiếp với học sinh, phụ huynh ngoài trường học. Theo đó, bên cạnh nắm bắt các văn bản hướng dẫn của phòng, sở và Bộ GD&ĐT, trường yêu cầu giáo viên thường xuyên rèn luyện, trau dồi kỹ năng mềm để xử lý tình huống phát sinh trong quá trình làm việc. Ở mỗi buổi họp chuyên môn, ban giám hiệu, tổ chuyên môn nhấn mạnh, trao đổi về kỹ năng, phương pháp xử lý các tình huống mới để giáo viên tiếp cận, tăng cường khả năng ứng phó”.
Đặc biệt, trường còn xây dựng các tình huống giả định để giáo viên nghiên cứu, đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề, thảo luận để chọn ra phương pháp tối ưu. “Quá trình giao tiếp với học sinh, phụ huynh, người thầy cần mềm mỏng, ứng xử có kỹ năng. Khi có tình huống khó, những giáo viên từng trải qua có thể chia sẻ với đồng nghiệp để truyền đạt kinh nghiệm.
Trường hợp phát sinh tình huống ngoài khả năng, kỹ năng giải quyết, giáo viên phải trao đổi, chia sẻ ngay với lãnh đạo trường để tìm hướng giải quyết hài hòa, tốt nhất; không để những sự cố đáng tiếc xảy ra”, cô Hợi chia sẻ.
Với Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (Nghệ An), hằng năm nhà trường tổ chức cho giáo viên tham gia các hội thảo, tập huấn của sở GD&ĐT, mặt khác mời chuyên gia về trường trao đổi, chia sẻ nhằm trau dồi kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên.
Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đồng thời cho hay: “Thời đại công nghệ 4.0, chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ động nghiên cứu các tình huống sư phạm được báo đài đề cập; lắng nghe đồng nghiệp ở nhà trường, địa phương khác chia sẻ cách giải quyết.
Với đặc thù trường DTNT, kỹ năng xử lý tình huống được nhà trường chú trọng không chỉ với giáo viên mà cả học sinh bằng cách chủ động mời chuyên gia về trao đổi cho thầy và trò. Đặc biệt, nhà trường đã lập tổ tư vấn tâm lý để tham gia tư vấn, hỗ trợ các trường hợp phát sinh. Trong các cuộc họp hội đồng, Chi bộ đều quan tâm, chỉ đạo công tác giáo dục kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên”.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho rằng, trong quá trình dạy học, giáo viên chắc chắn không tránh được nhiều tình huống phát sinh. Vì vậy, thầy cô phải có sự bình tĩnh, kiến thức xã hội, chuyên môn và kỹ năng phân tích, đánh giá mức độ, tính chất từng tình huống để giải quyết đúng quy định, hợp tình hợp lý.
Để trang bị cho giáo viên những phẩm chất, kỹ năng xử lý tình huống, Phòng GD&ĐT Văn Quan chỉ đạo các trường tăng cường giáo dục lập trường, chính trị tư tưởng…vững vàng; biết phân tích, đánh giá mức độ, tính chất khi gặp vấn đề phát sinh.
Cùng đó ngành Giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị cho giáo viên kiến thức cơ bản về tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý học đường. Trên cơ sở đó giúp thầy cô thêm hiểu và có kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống. Xây dựng hoạt động ngoại khóa, tập thể, hội thi; đưa các câu hỏi tình huống vào thực tế để thầy cô tìm cách giải quyết. Từ hoạt động bồi dưỡng thiết thực này, giáo viên được chia sẻ, học tập lẫn nhau để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống bên cạnh chuyên môn, kiến thức.
Rèn kỹ năng từ đào tạo
Đối với học sinh, trường học là ngôi nhà, gia đình thứ hai. Bởi vậy quá trình học tập, tham gia hoạt động giáo dục, sinh hoạt tại trường ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sự phát triển nhân cách, trí tuệ.
Theo ông Lê Hữu Tân - chuyên viên phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, ngoài việc yêu cầu giáo viên thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống thì những người đứng đầu cơ sở giáo dục còn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai bồi dưỡng kiến thức, thực hành kỹ năng xử lý tình huống sư phạm thực tế giúp giáo viên nâng cao kỹ năng ứng xử, giao tiếp thân thiện.
Đặc biệt, khuyến khích các đơn vị trường học, trong sinh hoạt chuyên môn, hoạt động ngoài giờ chính khóa, sinh hoạt đoàn thể… đưa ra tình huống thực tế ra trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết; tạo môi trường học tập, giáo dục để thầy trò gần gũi, thân thiện.
Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh ngoài tổ chức tập huấn chung đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường và liên trường để tạo thuận lợi cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm, học tập, mở rộng môi trường học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, mỗi thầy cô đều tích cực đưa ra giải pháp phù hợp đối tượng, môi trường hoạt động giáo dục của mình.
Ngành Giáo dục Hà Tĩnh còn khuyến khích các trường tổ chức nhiều hoạt động kết nối giáo viên, học sinh qua trải nghiệm, thể thao, văn hóa, nghệ thuật… nhằm tạo sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh.
Theo PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Giáo dục, ĐH Bách khoa Hà Nội, bên cạnh nâng cao năng lực chuyên môn, thầy cô cần quan tâm tới kỹ năng xử lý tình huống nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong lớp học một cách hiệu quản nhất. Từ đó mới đảm bảo được môi trường học tập tích cực, không bị gián đoạn, học trò cảm thấy thoải mái, tin tưởng khi trao đổi, học hỏi từ thầy cô.
Trong môi trường đại học cũng như phổ thông, kỹ năng xử lý tình huống tốt sẽ giúp người thầy giải quyết các xung đột một cách hài hòa. Mỗi người học có hoàn cảnh và nhu cầu học tập khác nhau, kỹ năng xử lý tình huống tốt giúp người dạy có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục.
PGS.TS Lê Hiếu Học cũng cho rằng, các trường nên tạo điều kiện để thầy cô tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng xử lý tình huống. Những khóa học này có thể tập trung vào tình huống thực tế mà đội ngũ có thể gặp phải trong quá trình giảng dạy. Cung cấp cơ hội để giáo viên thực hành xử lý các tình huống giả định trong môi trường an toàn và nhận được phản hồi từ đồng nghiệp, chuyên gia.
Tạo ra diễn đàn hoặc nhóm thảo luận để thầy cô chia sẻ tình huống họ đã gặp và cách xử lý. Cùng đó, sử dụng công cụ và phần mềm mô phỏng để tạo ra tình huống giả lập. Mô phỏng này có thể giúp giảng viên thực hành phản ứng trong các tình huống khác nhau mà không ảnh hưởng thực tế.
“Tăng cường kỹ năng mềm như giao tiếp, lắng nghe, đồng cảm và giải quyết xung đột rất quan trọng để xử lý tình huống khó khăn. Nâng cao kỹ năng xử lý tình huống không chỉ giúp thầy cô phản ứng tốt hơn mà còn tạo ra môi trường học tập tích cực và hiệu quả cho người học”, PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Giáo dục, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết.