Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Ông Lò Hải Phan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, lựa chọn những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Xác định nội dung, đối tượng giám sát phải sát, đúng, phù hợp từng thời gian và xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của địa phương. Hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã lựa chọn nội dung, tổ chức tập huấn, tuyên truyền về quy trình, cách thức tổ chức giám sát.
Từ đầu năm đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch chủ trì tổ chức 141 cuộc giám sát; trong đó, cấp tỉnh 1 cuộc, cấp huyện 19 cuộc và cấp xã 121 cuộc. Tham gia 287 đoàn giám sát, nội dung giám sát liên quan đến đời sống của người dân, như việc thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; tổ chức triển khai, thực hiện việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo quy định; thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; việc chấp hành và thực hiện quy ước và Luật Hòa giải trên địa bàn các xã; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của tổ Covid-19 cộng đồng tại các xã... Tổ chức 509 cuộc phản biện xã hội vào dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước cùng cấp trong đó, cấp tỉnh 1 cuộc, cấp huyện 101 cuộc, cấp xã 406 cuộc; góp ý tham gia 1.133 dự thảo văn bản của các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn được kiện toàn, củng cố kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự; ban giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, ban thanh tra nhân dân các xã, phường, thị trấn đã giám sát 216 cuộc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng 349 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát đối với các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng, nhất là ở các xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới.
Bà Thào Thị Mai Anh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Châu, cho biết: Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thông qua việc nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã hiệp thương, thống nhất lựa chọn những vấn đề nhân dân quan tâm để xây dựng kế hoạch giám sát. Qua đó, kịp thời phát hiện những vấn đề bất hợp lý, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở và các chế độ, chính sách trên từng lĩnh vực cụ thể, để kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền kịp thời điều chỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với những kết quả đạt được trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.