Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ, học sinh dân tộc thiểu số

Thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, ngành Giáo dục Phú Yên đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển biến chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các trẻ Trường mầm non Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) học tiếng Việt bằng cách đọc các dụng cụ tại góc địa phương của lớp. Ảnh: TRUNG HIẾU

Các trẻ Trường mầm non Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) học tiếng Việt bằng cách đọc các dụng cụ tại góc địa phương của lớp. Ảnh: TRUNG HIẾU

Đa dạng hình thức tăng cường tiếng Việt

Là địa bàn miền núi, tỉ lệ học sinh DTTS chiếm hơn 50%, những năm qua, ngành Giáo dục huyện Sông Hinh đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường tiếng Việt (TCTV), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ mầm non, học sinh DTTS. Theo cô Dương Thị Lê, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Ea Bar (xã Ea Bar), toàn trường có 180 trẻ, trong đó có 104 trẻ đồng bào DTTS.

Để TCTV cho trẻ, nhà trường tổ chức cho trẻ tham gia nhiều hoạt động cả ở trong lớp và ngoài lớp học theo hình thức “học mà chơi, chơi mà học” như: thi kể chuyện, văn nghệ, bán hàng… tạo được sự hứng thú, kích thích các em tham gia. Qua các cuộc thi, các em có cơ hội giao tiếp, khám phá bằng tiếng Việt, từ đó có nhiều vốn từ tiếng Việt, rèn được kỹ năng nghe, nói ngày càng tốt hơn.

“Trẻ DTTS hằng ngày sống trong môi trường thuần tiếng mẹ đẻ, nếu không TCTV, các em thiếu vốn từ để giao tiếp, từ đó ngại tiếp xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập khi vào lớp 1. Vì vậy, năm học nào nhà trường cũng TCTV cho trẻ bằng cách mỗi góc học tập, đồ dùng, đồ chơi… đều gắn chữ cái, tiếng Việt, số tự nhiên để các em học mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, nhà trường còn vận động phụ huynh thường xuyên nói tiếng Việt với con em mình, nhờ đó chất lượng dạy và học tiếng Việt trong trường ngày càng nâng cao”, cô Dương Thị Lê nói.

Hiện các trường tiểu học có học sinh DTTS đều TCTV cho các em. Trước khai giảng năm học mới, từ đầu tháng 7, các trường tiểu học có học sinh DTTS bắt đầu tổ chức dạy TCTV cho các em chuẩn bị bước vào lớp 1. Thầy Lê Ngọc Vũ, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Năm học 2024-2025, khối tiểu học của trường có 344 học sinh, riêng lớp 1 có 74 học sinh.

Từ đầu tháng 7, nhà trường tổ chức TCTV cho những em vào lớp 1. Ban đầu nhà trường cho các em học lại chữ cái, sau đó ráp vần. Đối với học sinh từ lớp 2 đến lớp 5, nhà trường vẫn tổ chức TCTV bằng cách cho các em đọc, kể những mẩu chuyện, tổ chức giao lưu Tiếng Việt của chúng em…”.

Tùy tình hình thực tế mà các trường có giải pháp để TCTV cho học sinh. Các cơ sở mầm non, tiểu học vùng DTTS duy trì và phát triển sáng tạo môi trường tiếng Việt, như: làm quen, giao tiếp tiếng Việt; tích hợp, lồng ghép, liên hệ trong các bộ môn, hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường văn hóa đọc, phát triển thư viện nhà trường; trang trí lớp học giao lưu tiếng Việt… Nhờ vậy, chất lượng học sinh học môn Tiếng Việt được nâng cao rõ rệt, học sinh DTTS ngày càng yêu thích môn Tiếng Việt.

Phát huy hiệu quả

Để phát huy hiệu quả thực hiện Đề án TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, ngành Giáo dục tỉnh đã cụ thể hóa đề án này trong mỗi năm học với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Đơn cử mới đây, Sở GD&ĐT tổ chức hội thi “Giao lưu tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng DTTS” tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa. Hội thi này thu hút nhiều trẻ, phụ huynh, giáo viên ở các trường thuộc 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân tham gia, góp phần giúp trẻ tự tin, yêu thích tiếng Việt.

Việc TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS nhằm bảo đảm kỹ năng trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 30% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, từ 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung TCTV phù hợp theo độ tuổi.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành, toàn huyện có 11 trường mầm non và 9 trường tiểu học, trong đó có 5 trường tiểu học và 5 trường mầm non có trẻ, học sinh DTTS. Để phát huy hiệu quả Đề án TCTV cho trẻ, ngoài thực hiện nhiều giải pháp giáo dục trên lớp, các trường còn được đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy học cho trẻ.

Các trường còn chủ động xây dựng tốt môi trường bên trong và bên ngoài lớp học từ trang thiết bị mua sắm và tự làm, tạo môi trường, không gian lớp học để kích thích các em đến lớp, học tập tốt. “Nhờ thực hiện tốt đề án này, mỗi năm học, 100% trẻ DTTS ở tất cả các trường mầm non đều được TCTV và chuẩn bị tốt tâm thế khi vào lớp 1”, ông Phạm Trung Thành nói.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hòa Lê Tính cho biết: Thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác TCTV cho trẻ, học sinh vùng DTTS. Các trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tổ chức hội thi trang trí lớp, làm đồ dùng, đồ chơi, hoạt động sáng tạo, qua đó giúp các em nói, viết tiếng Việt ngày càng thành thạo, tự tin.

TRUNG HIẾU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/78/317469/nang-cao-chat-luong-giao-duc-cho-tre-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so.html