Nâng cao chất lượng giáo dục khu vực Bắc Trung bộ
Chiều 13/11, tại Quảng Bình, Cụm thi đua số 6 khu vực Bắc Trung bộ (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Chủ trì Hội nghị là ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 năm học 2023-2024; ông Nguyễn Hồng Cường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh. Cùng tham gia Hội nghị có lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Nỗ lực đổi mới, thi đua dạy tốt - học tốt
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục các tỉnh tập trung thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; trong đó, tập trung thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và các Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hiệu quả phong trào thi đua dạy tốt - học tốt; phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; thực hiện chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Cơ sở hạ tầng được củng cố tăng cường; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và khá đồng bộ ở các cấp học, bậc học, đã tạo điều kiện cho phát triển giáo dục bền vững.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, tỉ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao.
Sở GD&ĐT các địa phương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành khung thời gian, xây dựng kế hoạch năm học, cùng các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ các cấp học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng, tựu trường và triển khai các hoạt động đầu năm học nghiêm túc, đạt kết quả tốt.
Công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục được quan tâm; chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được triển khai hiệu quả. Đặc biệt là Chương trình GDPT 2018, việc lựa chọn SGK đối với lớp 4, 8 và 11.
Các Sở GD&ĐT quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bố trí phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình, Trưởng Cụm thi đua số 6 cho biết, Hội nghị được tổ chức trong điều kiện toàn ngành nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Do đó, đại diện các Sở GD&ĐT tập trung thảo luận về dự thảo, báo cáo, bàn bạc đưa ra các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động, góp phần thúc đẩy các đơn vị trong cụm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Tháo gỡ khó khăn về đội ngũ giáo viên
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương đồng tình với dự thảo báo cáo, nhìn nhận những khó khăn đối với phát triển giáo dục. Địa bàn nằm trong vùng xảy ra thiên tai, ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà trường.
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, thiếu giáo viên cũng gây nên nhiều khó khăn trong sắp xếp, phân công, bố trí giáo viên cho các đơn vị khi triển khai nhiệm vụ năm học.
Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, đối với vấn đề đội ngũ địa phương đang thiếu hơn 10.000 giáo viên, nhân viên. Trong khi đó, Sở cũng gặp “áp lực” trong việc tinh giảm biên chế. Sau nhiều lần đề xuất, hiện HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thực hiện tuyển dụng khoảng 3.800 giáo viên...
Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất vị trí việc làm cho cán bộ công chức Phòng GD&ĐT, đề xuất về thực hiện Chương trình GDPT 2018, tài liệu giáo dục địa phương.
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng, việc biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp các bên liên quan tháo gỡ, hoàn chỉnh việc thẩm định giá để triển khai in ấn tài liệu giáo dục địa phương đến tận tay học sinh.
Liên quan đến phát triển đội ngũ, ông Võ Văn Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho rằng, “áp lực” tinh giản biên chế gây khó khăn cho việc bố trí đội ngũ. Đối với địa phương, thời gian qua Sở GD&ĐT đã linh hoạt điều tiết, điều động luân phiên giáo viên, cả trong nội khối và giữa các khối. Nhiều giáo viên tình nguyện viết đơn đến miền núi dạy học, có giáo viên xin ở lại. Sở đã tổng kết khen thưởng những giáo viên này để động viên, khích lệ các thầy cô.
Ngoài ra, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển giáo dục, chế độ chính sách cho các giáo viên dạy liên trường và nhiều điểm trường...
Qua đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị đề xuất Cụm thi đua tổng hợp các ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn: có chính sách tăng lương cho giáo viên các cấp, đặc biệt là giáo viên mầm non, nhân viên, tránh tình trạng chuyển nghề, bỏ nghề, khó thu hút giáo viên.
Cụm thi đua số 6 cũng đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, thống nhất các kiến nghị, đề xuất đối với Bộ GD&ĐT liên quan đến việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; việc triển khai Chương trình GDPT và các cơ chế phát triển giáo dục.
Kết luận hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình nhấn mạnh, các ý kiến trao đổi, đề xuất sẽ được tổng hợp trình Bộ GD&ĐT và phục vụ công tác chỉ đạo nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ năm học.
Năm học 2023-2024 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong việc triển khai Chương trình GDPT, các địa phương cần nỗ lực khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng giáo dục, gặt hái nhiều thành công.
Nhà báo Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Biên tập Báo GD&TĐ, Văn phòng đã đồng hành với ngành Giáo dục 6 tỉnh Bắc Trung bộ trong công tác tuyên truyền những kết quả nổi bật.
Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo GD&TĐ phối hợp tổ chức chương trình "Đồng hành cùng thầy cô" nhằm tri ân cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên 6 tỉnh Bắc miền Trung.
Có thể khẳng định rằng, Báo GD&TĐ đã trở thành cầu nối quan trọng lan tỏa thông tin tích cực, hiệu quả, phương pháp dạy học, nhân lên những mô hình, điển hình giáo dục trong toàn ngành. Ngoài ra, Báo GD&TĐ đã tăng cường thông tin phản biện góp phần hỗ trợ ngành giáo dục 6 tỉnh thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Lãnh đạo Văn phòng đại diện Báo GD&TĐ khu vực miền Trung – Tây Nguyên chia sẻ, bên cạnh nhiệm vụ thông tin, Báo đã tích cực triển khai nhiều chương trình hiệu quả hướng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn và cán bộ giáo viên. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh tích cực phối hợp trong hoạt động, hỗ trợ công tác phát hành đưa báo về các cơ sở giáo dục.