Nâng cao chất lượng giáo dục ở Tân Sơn

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp 'trồng người', do vậy, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Tân Sơn không ngừng nỗ lực, tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, siết chặt kỷ cương, nền nếp học đường, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.

Cô và trò Trường Tiểu học Thu Cúc 2 trong giờ học.

Năm học 2021-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải điều chỉnh kế hoạch dạy học nhiều lần để phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn các xã, hạ tầng công nghệ thông tin của gia đình học sinh còn thiếu nhưng chất lượng giáo dục mũi nhọn vẫn có những chuyển biến tích cực. Bậc học mầm non: 100% trẻ em dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt, trẻ sáu tuổi được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục mầm non: 1.434, đạt tỉ lệ 100%. Cấp tiểu học có 8.497 học sinh hoàn thành chương trình lớp học, đạt tỉ lệ 99,4%, 1.567 học sinh lớp năm hoàn thành chương trình tiểu học, đạt tỉ lệ 100%. Cấp THCS có 247 học sinh xếp loại giỏi, 1.899 học sinh xếp loại khá, 1.317 học sinh được công nhận tốt nghiệp lớp chín, đạt 99,5%. Điểm bình quân ba môn thi vào lớp 10 tăng 0,73 điểm so với năm học trước.

Huyện Tân Sơn có 116 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 35 giáo viên được công nhận có sản phẩm video bài giảng dạy học trực tuyến cấp tỉnh, 1.712 lượt học sinh đạt giải các cuộc thi cấp huyện (tăng 490 giải), 238 lượt học sinh đạt giải các cuộc thi cấp tỉnh, 42 lượt học sinh đạt giải trong các cuộc thi cấp Quốc gia (tăng 37 giải so với năm học trước), trong đó có một giải Nhất giao lưu Trạng Nguyên Tiếng Việt cấp Quốc gia. Nhiều trường đã có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng dạy và học. Điển hình là Trường Tiểu học Thu Cúc 2.

Thầy giáo Nguyễn Thái Định - Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường chủ động rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm học cho phù hợp; thường xuyên khảo sát chất lượng học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chủ động thực hiện tốt công tác truyền thông, xã hội hóa giáo dục để tạo sự đồng thuận, huy động tối đa sự tham gia của xã hội để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Thực hiện tốt phong trào “Tiếng trống học bài” và phong trào “Nhà giáo Tân Sơn tâm huyết, sáng tạo” để tạo động lực cho cả thầy và trò phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Theo cô giáo Đinh Thị Bình - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Sơn, năm học 2022-2023, huyện có 54 trường mầm non, phổ thông với 19.967 học sinh. Với phương châm tăng cường xây dựng hệ thống giáo dục toàn diện, đồng đều, tiến bộ và hiện đại trên tất cả các bậc học, ngay từ đầu mỗi năm học, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ vào thực tiễn địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó tập trung vào chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương, đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, bảo đảm dạy thực chất, đánh giá thực chất.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia đào tạo nâng chuẩn, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới; tiếp tục duy trì mô hình lớp chất lượng cao tại bốn lớp phổ thông thuộc các xã: Minh Đài, Tân Phú và triển khai tại những địa phương, đơn vị đảm bảo điều kiện để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn huyện; tăng cường khảo sát chất lượng từng khối lớp để phân loại học sinh và có giải pháp bồi dưỡng, phụ đạo kịp thời; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ, công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/nang-cao-chat-luong-giao-duc-o-tan-son/187951.htm