Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học
Giáo dục thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể lực, rèn luyện kỹ năng vận động và xây dựng tinh thần thể thao cho học sinh. Xác định rõ vai trò của giáo dục thể chất, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có đổi mới trong phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động thể thao, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, ngoài tiết học giáo dục thể chất theo chương trình, nhà trường còn chú trọng phát triển các câu lạc bộ thể thao. Thầy Vũ Trung Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện tại, ngoài các CLB như bóng rổ, bóng chuyền, điền kinh... nhà trường còn đưa vào giảng dạy bộ môn pickleball - môn thể thao mới, thu hút sự quan tâm của học sinh. Các CLB nhảy trong nhà trường cũng được tập trung phát triển". Việc hợp tác với Trung tâm bóng rổ Ssport cũng giúp nâng cao chất lượng đào tạo thể chất cho học sinh.
Tương tự, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ là đơn vị đầu tiên đưa pickleball vào giảng dạy cho học sinh lớp 10. Cô Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngoài các môn thể thao phổ biến, nhà trường còn chú trọng đến thể dục nhịp điệu, nhảy, múa, giúp học sinh có thêm lựa chọn phù hợp với sở thích cá nhân".

Bóng rổ đang là bộ môn được đầu tư phát triển trong nhiều trường học
Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên thể chất Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ cho biết, chương trình giáo dục thể chất của trường bao gồm điền kinh, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, pickleball... cùng một số bài tập rèn luyện sức bền. Tuy nhiên, một số học sinh chưa thực sự quan tâm các bài tập thể lực hoặc điền kinh. Để khắc phục, nhà trường áp dụng phương pháp giảng dạy sáng tạo như trò chơi vận động, tổ chức thi đấu nhỏ để tăng tính cạnh tranh và hứng thú.
Dù có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giáo dục thể chất vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các trường dân tộc nội trú. Theo cô Nguyễn Thị Giang, giáo viên thể chất Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, một số khó khăn như thiếu cơ sở vật chất do địa hình đất dốc không đáp ứng yêu cầu xây dựng sân bãi và nhà thi đấu đạt chuẩn. Trang thiết bị thể thao hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện của học sinh. Điều kiện khí hậu cũng là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tham gia của học sinh vào các hoạt động ngoài trời.

Các thầy cô luôn cập nhật phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao chất lượng thể chất cho học sinh.
"Học sinh dân tộc thiểu số sinh sống địa bàn miền núi, vùng cao có những đặc điểm thể trạng khác biệt so với học sinh ở đồng bằng, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp. Một số em có thể chưa quen với các hoạt động thể thao hiện đại, vì vậy, giáo viên phải kiên trì động viên, tạo động lực để các em tự tin tham gia. Chúng tôi cũng cố gắng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể thao để các em có cơ hội làm quen với môi trường tập luyện chuyên nghiệp hơn" - cô Giang chia sẻ.
Đặc điểm văn hóa và thể trạng của học sinh dân tộc thiểu số cũng là yếu tố cần lưu ý, bởi các em chưa thực sự quen thuộc với các môn thể thao hiện đại, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp hướng dẫn phù hợp. Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên chuyên trách khiến việc giảng dạy gặp không ít khó khăn. Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến giáo dục thể chất, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho con em tham gia các hoạt động thể thao.

Pickleball là bộ môn mới được đưa vào giảng dạy trong trường học.
Để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, các trường học đã áp dụng nhiều giải pháp thiết thực như tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong giảng dạy bằng cách lồng ghép trò chơi vận động, sử dụng âm nhạc tạo sự hứng thú. Việc đa dạng hóa hoạt động thể chất với các bộ môn như yoga, zumba dance, khiêu vũ thể thao giúp học sinh có thêm lựa chọn. Các giải đấu thể thao nội bộ được tổ chức thường xuyên rèn luyện tinh thần đồng đội, tăng sự gắn kết giữa các em. Giáo viên cũng quan tâm đến năng khiếu, sở thích của từng học sinh để điều chỉnh bài tập phù hợp. Một số trường bước đầu ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận bài tập tương tác sinh động hơn.
Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, các trường học cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị thể thao; đồng thời phối hợp với phụ huynh tuyên truyền về lợi ích của giáo dục thể chất, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động thể thao. Việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ thiết bị thể thao, cải tạo sân bãi cũng là giải pháp quan trọng giúp cải thiện điều kiện tập luyện cho học sinh.

Các thầy cô giáo dục thể chất quan tâm đến năng khiếu và sở thích của từng học sinh, đưa ra các bài tập phù hợp.
Tham gia thể thao thường xuyên mang lại nhiều lợi ích tích cực về cả thể chất và tinh thần cho học sinh. Việc rèn luyện thể thao giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, phát triển hệ cơ xương, nâng cao sức bền và sự dẻo dai. Đồng thời, học sinh có thể kiểm soát cân nặng, phòng tránh nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan. Thể thao cũng giúp các em nâng cao tinh thần đồng đội, kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau, giảm căng thẳng, nâng cao tinh thần, góp phần giúp việc học tập hiệu quả hơn.
Với sự quan tâm của nhà trường, giáo viên và phụ huynh, giáo dục thể chất trong trường học ở Điện Biên đang từng bước được cải thiện, mang lại môi trường học tập năng động, lành mạnh cho học sinh. Bằng sự đầu tư đúng hướng, giáo dục thể chất sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện học sinh.