Nâng cao chất lượng giáo dục từ phản hồi của người dân

Lần đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiến hành khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đây là điểm mới trong lĩnh vực cải cách hành chính của ngành giáo dục, bằng việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía người dân, từ đó xây dựng các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo…

 Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc sinh hoạt ngoại khóa hưởng ứng ngày Sách Việt Nam trong năm học 2019 - 2020 - Ảnh: LM

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc sinh hoạt ngoại khóa hưởng ứng ngày Sách Việt Nam trong năm học 2019 - 2020 - Ảnh: LM

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Minh cho biết: Hoạt động khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công do Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành được thực hiện theo Quyết định số 3476/QĐ- BGDĐT ngày 4/10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu hướng đến của việc khảo sát là nhằm đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công lập. Từ đó, làm cơ sở để các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và đảm bảo sự hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ giáo dục công. Đồng thời, tăng cường sự góp ý của xã hội để hoàn thiện dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo đó, có 15 trường học từ mầm non đến THPT và hệ đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thuộc 3 huyện, thành phố gồm Hướng Hóa, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà. Theo đó, mỗi địa phương sẽ chọn ngẫu nhiên 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, 1 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Đối tượng tiến hành khảo sát là phụ huynh và học sinh. Các nội dung khảo sát gồm: Mức độ tiếp cận dịch vụ giáo dục của nhà trường; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; môi trường giáo dục của nhà trường; hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ của nhà trường (đối với bậc học mầm non) và hoạt động giáo dục của nhà trường (đối với các bậc học còn lại); sự phát triển và tiến bộ của con (đối với bậc học mầm non) và sự phát triển và thực hiện nghĩa vụ công dân (đối với các bậc học còn lại).

Quá trình khảo sát 4.006 đối tượng gồm 3.667 phụ huynh, 1.339 học sinh ở bậc học THPT và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với kết quả trên 80% đánh giá hài lòng và rất hài lòng về chất lượng dịch vụ giáo dục công. Trong đó, có một số chỉ số đạt ở mức cao như môi trường giáo dục của nhà trường đạt 84,5%; hoạt động chăm sóc, giáo dục của nhà trường đạt 83%; tiếp cận dịch vụ giáo dục của nhà trường đạt 82,4%; sự tiến bộ và phát triển của học sinh đạt 79,1%. Tuy nhiên, chỉ số về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chỉ đạt 72,9%.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Minh cho biết: Kết quả trên đã phản ánh đúng thực trạng về chất lượng giáo dục tại các trường học công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay. Từ kết quả khảo sát, ngành giáo dục- đào tạo tỉnh đang tiến hành xây dựng các giải pháp để cải thiện, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường công lập trong thời gian tới. Trong đó, đối với tiêu chí tiếp cận dịch vụ giáo dục của nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong giáo dục như đẩy mạnh cung cấp thông tin dịch vụ công, đặc biệt là hình thức trực tuyến, đồng thời phân công nhân viên sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc. Đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng giáo dục, xã hội hóa giáo dục ở khu vực vùng khó, đồng thời có chính sách hỗ trợ về tài chính cho học sinh nghèo, đặc biệt ở các bậc phổ cập để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo cơ hội học tập cho các đối tượng, góp phần tạo ra xã hội học tập trên phạm vi toàn xã, huyện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Về giải pháp nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các cơ quan quản lý giáo dục sẽ đánh giá, kiểm tra thực tế, lập kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho từng giai đoạn và từng năm học, đồng thời các cơ sở giáo dục sẽ thành lập bộ phận quản lý tài sản - thiết bị để đảm bảo việc khai thác, quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa, khai thác các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất…

Đối với giải pháp tăng cường môi trường giáo dục, chủ trương của ngành hướng các đơn vị giáo dục tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức về giới và kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bạo lực, xâm hại cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm; xây dựng các sân chơi lành mạnh, bổ ích, các hoạt động hướng về cộng đồng, thiện nguyện cho học sinh, góp phần hạn chế, đẩy lùi việc học sinh tiếp cận với các sản phẩm mang tính tiêu cực của xã hội; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao môi trường giáo dục lành mạnh…

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục sẽ được thực hiện đồng bộ từ việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các bậc học, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để giữ vững và duy trì nền nếp, kỷ cương, trật tự, sự ổn định trong giáo dục, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các tiêu cực trong giáo dục. Bên cạnh đó, kịp thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng.

Về nhiệm vụ nâng cao kết quả học tập sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như giáo viên đứng lớp cần tạo động cơ, gây lòng tin, tạo hứng thú say mê, yêu thích học tập bộ môn do mình phụ trách cho học sinh. Giáo viên phải giúp học sinh xác định đúng động cơ, thái độ học tập: Học để có kiến thức, để làm người, chiếm lĩnh tri thức của loài người, biến kiến thức đó thành kiến thức của mình, học để lập thân, lập nghiệp. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để giúp phụ huynh xác định rõ mục đích cho con đi học…

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151223