Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), công tác giáo dục và đào tạo tại các huyện miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất, trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang và từng bước hiện đại đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục hiệu quả.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn.

Thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn năm học 2024-2025 hiện có 280 học sinh là con em người DTTS. Trong quá trình theo học tại trường, 100% học sinh ở nội trú được Đảng, Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt. Từ tháng 11/2022 đến nay, nhà trường đã được đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) thuộc tiểu Dự án 1- Dự án 5 để nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị, dụng cụ dạy học; khu vực sân chơi thể dục thể thao, nhà đa năng, các công trình phụ trợ theo đúng quy định. Qua đó, không chỉ giúp các em học sinh yên tâm học tập, rèn luyện sức khỏe thể chất mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, điều kiện cơ sở vật chất khang trang như hiện nay không chỉ tiếp thêm niềm tin phấn đấu học tập cho học sinh mà còn tạo động lực cho đội ngũ giáo viên thêm yêu nghề, cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Chỉ riêng trong học kỳ I năm nay, các em học sinh, giáo viên của nhà trường đã đạt được 29 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi, cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật... cấp huyện, tỉnh tổ chức. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc theo đúng quy định và triển khai các hoạt động đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ".

Năm học 2024-2025, toàn huyện Tân Sơn có 19.081 học sinh ở 3 cấp Mầm non (MN), Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS). Trong đó có 16.663 số trẻ, học sinh là người DTTS. Hàng năm, UBND huyện đã sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, các phòng học bộ môn, khu nhà ở, bếp ăn và các hạng mục phụ trợ cho các trường Phổ thông Dân tộc nội trú và Phổ thông Dân tộc bán trú với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác xã hội hóa với sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để mua sắm thêm các trang thiết bị học tập, cải tạo khuôn viên, cảnh quan tại các nhà trường với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng/năm. Đến nay, toàn huyện đã có 98,5% phòng học kiên cố; 51/54 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia...

Đồng chí Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn khẳng định: “Nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách cho giáo dục miền núi đã trở thành đòn bẩy để các trường học có được điều kiện cơ sở vật chất khang trang và đồng bộ. Nhờ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển tích cực; số lượng học sinh là người DTTS đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, cấp Quốc gia năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong lộ trình đưa giáo dục huyện nhà phát triển hơn nữa, chúng tôi mong muốn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh và các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là nhóm chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ cho con em là người DTTS để tạo động lực cho giáo dục vùng núi phát triển nhanh và bền vững hơn.

Có thể thấy, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 4/10/2021 sau hơn 4 năm triển khai đã góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục ở các huyện miền núi, đặc biệt là ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Qua đó, không chỉ bảo đảm quyền bình đẳng trong học tập đối với học sinh các DTTS mà còn là cơ sở quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”.

Thành tích xếp thứ 10 tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 của Đoàn VĐV tỉnh Phú Thọ cũng có những đóng góp của nhiều học sinh người DTTS trên toàn tỉnh.

Thành tích xếp thứ 10 tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 của Đoàn VĐV tỉnh Phú Thọ cũng có những đóng góp của nhiều học sinh người DTTS trên toàn tỉnh.

Phát triển toàn diện giáo dục miền núi

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 306 trường MN; 274 trường TH; 246 trường THCS; 49 trường Trung học phổ thông (THPT) và Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); 14 Trung tâm GDTX tỉnh và GDNN-GDTX với trên 63.000 trẻ và học sinh là người DTTS.

Giai đoạn 2021-2025, giáo dục vùng DTTS&MN tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng gần 315 tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, ngân sách Trung ương là hơn 298 tỷ đồng, ngân sách của tỉnh và các huyện, thị, thành đạt gần 18 tỷ đồng. Nhờ đó đã nâng cấp, cải tạo được 65 phòng công vụ cho giáo viên, 169 phòng ở cho học sinh, 18 phòng quản lý học sinh, 87 phòng học, 12 nhà ăn - nhà bếp, 5 nhà kho chứa lương thực, 5 công trình nước sạch, 3 nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa, 8 công trình phụ trợ cùng gần 3.000 trang thiết bị dạy học để phục vụ cho công tác chuyển đổi số trong ngành, góp phần nâng cao tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố trên toàn tỉnh đạt 97,5%.

Trong công tác chuyên môn, các cơ sở giáo dục đã thực hiện đúng chương trình, kế hoạch năm học; giữ vững kỷ cương, nền nếp; chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Ngoài việc dạy văn hóa, các trường học ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn chủ động tổ chức nhiều hoạt động nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề... nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh DTTS&MN. Nhờ đó, chất lượng giáo dục tại các trường vùng đồng bào DTTS được nâng cao. Hàng năm, luôn có trên 50% học sinh người DTTS tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào đại học, cao đẳng hoặc trường Dự bị đại học; trẻ em DTTS vẫn gìn giữ và phát huy được những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa dân tộc đặc thù.

Trên quy mô toàn tỉnh, năm học 2023-2024 là năm thứ 4 liên tiếp Phú Thọ xếp 8/63 tỉnh, thành phố về kết quả thi tốt nghiệp THPT trên cả nước; xếp thứ 10 tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024, hay gần đây nhất là việc có đến 78 học sinh đạt giải trong Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 năm học 2024-2025. Những thành tích xuất sắc mà Giáo dục Đất Tổ đạt được trong những năm qua cũng có sự đóng góp, nỗ lực phấn đấu của nhiều học sinh là người DTTS trên toàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư cho giáo dục vùng DTTS&MN đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương trong nhiều năm qua. Từ đó, đã tạo được niềm tin, sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp ủy chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị và toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi và đảm bảo quyền học tập bình đẳng cho học sinh. Bên cạnh những kết quả đạt được, Giáo dục DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là ở các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như: Tin học, Công nghệ, Tiếng Anh cấp TH, THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Ngoài ra, quy mô các trường TH, THCS ở nông thôn, miền núi còn nhỏ; một số trường học còn điểm trường lẻ sau khi sáp nhập nên việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và bố trí giáo viên gặp khó khăn.

Đồng chí Phùng Quốc Lập - Nhà giáo Ưu tú, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với học sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW và củng cố hệ thống các trường PTDTNT và PTDTBT trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh tuyển dụng bổ sung giáo viên các môn còn thiếu và thực hiện sắp xếp; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN... để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới công các quản lý, quản trị nhà trường và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, phấn đấu để giáo dục Đất Tổ tiếp tục giữ vững vị thế trong những năm tới".

Quốc Đại

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-232969.htm