Nâng cao chất lượng giống quế

Những năm gần đây, cây quế được nhiều địa phương lựa chọn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng, kiểm soát nguồn cung cây giống quế đang là bài toán của nhiều địa phương và ngành chức năng.

Hộ ông Ma Văn Tình, thôn Bản Hốc, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) có hơn 1 ha đất rừng. Năm 2014, theo lời giới thiệu của một người quen, ông mua hơn 1.000 cây giống quế ở tỉnh khác về trồng. Do cây giống không đảm bảo chất lượng nên sau gần 2 năm trồng, hơn 50% cây bị chết, số còn lại thì bị sâu bệnh, còi cọc, kém phát triển, ông phải nhổ bỏ mua cây giống khác về thay thế.

Người dân cần chọn lựa cây giống trước khi trồng.

Người dân cần chọn lựa cây giống trước khi trồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Phong trào trồng rừng kinh tế phát triển mạnh tại địa phương khoảng 5 năm trở lại đây. Tình trạng cây chết hàng loạt sau khi trồng, cây nhiễm sâu bệnh kém phát triển đã xảy ra tại một số hộ khiến người dân rất lo lắng. Nguyên nhân là do người dân mua cây giống bán ngoài chợ hoặc từ địa phương khác về trồng, chất lượng cây giống không đảm bảo. Chính quyền xã đã khuyến cáo người dân chọn mua cây giống tại các vườn ươm có uy tín, có kiểm soát chất lượng để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Xã Nậm Đét nằm trong vùng quy hoạch trồng quế của huyện Bắc Hà. Xã hiện có gần 2.000 ha quế, trong đó hơn 50% diện tích đến kỳ khai thác. Với việc trồng lại những diện tích đã khai khác và phát triển thêm diện tích mới, nhu cầu cây quế giống của xã năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ những bài học xương máu về chất lượng cây giống, xã Nậm Đét đã có những biện pháp để bảo tồn nguồn giống quế chất lượng cao phục vụ sản xuất. Qua rà soát, xã đã khoanh vùng hơn 20 ha quế cổ thụ (tuổi cây trên 50 năm) được các cơ quan chức năng của tỉnh quy hoạch thành rừng giống chất lượng cao. Trung bình mỗi cây quế cổ thụ cho thu từ 20 đến 30 kg hạt/năm, đáp ứng giống trồng 20 - 30 ha rừng. Đây là nguồn giống chất lượng cao, không chỉ cung cấp cho người dân trong xã mà còn bán ra ngoài.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét cho biết: Hằng năm, xã đều khuyến khích người dân mở rộng diện tích quế. Đi đôi với trồng quế thương phẩm, xã cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống bằng việc bảo tồn những cây quế giống có đường kính từ 30 cm, cao từ 15 m trở lên để nhân giống.
Những năm gần đây, trồng rừng trở thành phong trào tại các địa phương trong tỉnh. Trung bình mỗi năm, các địa phương trong tỉnh trồng mới 5.000 - 6.000 ha rừng, trong đó diện tích trồng quế chiếm hơn 50% diện tích rừng trồng hằng năm. Quế là loại cây trồng đa mục đích, có giá trị kinh tế cao. Chia trung bình cả chu kỳ, doanh thu đạt khoảng 35 triệu đồng/năm/ha quế. Với những diện tích cây quế trên 15 năm tuổi có thể cho nguồn thu 50 triệu đồng/ha/năm. Quế là cây gỗ có rễ cọc ăn sâu, xanh quanh năm, không rụng lá, phù hợp với mục tiêu kinh tế, kết hợp đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng trồng. Tỉnh đã lựa chọn cây quế để ưu tiên phát triển và ban hành quy hoạch vùng trồng cây quế và hệ thống cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2025 tại Quyết định số 2952 ngày 7/9/2015.

Sau gần 6 năm thực hiện quy hoạch, diện tích quế trên địa bàn tỉnh phát triển rất nhanh, từ gần 11 nghìn 200 ha (năm 2014) lên hơn 36 nghìn ha (năm 2019). Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích quế lên 50 nghìn ha. Cùng với việc mở rộng diện tích trồng, giống quế cũng đang “sốt” theo từng năm. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc sản xuất, quản lý và kiểm soát nguồn cây giống đang có nhiều khó khăn. Hiện nay, nguồn hạt giống chủ yếu được tuyển chọn từ rừng giống chuyển hóa và cây trội, nguồn giống có chất lượng cao còn ít; chưa có hệ thống rừng giống trồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về lĩnh vực giống, việc sản xuất giống chủ yếu áp dụng kiến thức bản địa, kinh nghiệm tích lũy. Việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho chọn giống, nhân giống công nghệ cao chưa được chú trọng; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các khâu từ làm đất, tra hạt, chăm sóc đến khi xuất vườn thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống xuất bán, dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn về sâu bệnh, chất lượng rừng trồng.

Toàn tỉnh đã quy hoạch được 70 ha rừng quế giống chuyển hóa và 20 cây trội, cung cấp khoảng 45 tấn hạt/năm, sản xuất được khoảng 9 - 10 triệu cây giống/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu cây giống phục vụ trồng rừng. Theo quy hoạch vùng trồng quế đã được tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, diện tích quế toàn tỉnh sẽ đạt 50 nghìn ha. Theo đó, nhu cầu cây giống cần trong giai đoạn 2020 - 2025 là 120 - 150 triệu cây. Vì vậy, cần có quy hoạch mở rộng diện tích rừng quế giống, nâng cao hiệu quả gieo ươm để sản xuất đủ số lượng và chất lượng cây giống. Biện pháp được cơ quan chuyên môn đưa ra là duy trì rừng quế giống hiện có, đồng thời xây dựng thêm 80 ha rừng quế giống chuyển hóa, tuyển chọn thêm 50 cây trội và xây dựng 200 ha rừng quế giống trồng chất lượng cao. Phấn đấu đến những năm cuối của giai đoạn 2020 - 2025, toàn bộ nguồn quế giống chất lượng cao sẽ cho thu hoạch, đáp ứng đủ giống phục vụ trồng rừng.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống quế trên địa bàn tỉnh. Bộ tài liệu đưa ra những quy định, nội dung và yêu cầu của công tác quản lý nguồn giống, quản lý vật liệu giống, quản lý sản xuất, kinh doanh giống, quản lý sử dụng giống cây quế trong trồng rừng theo chuỗi hành trình giống cây trồng lâm nghiệp, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng rừng quế.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-que-giong-z3n20200829095327721.htm