Nâng cao chất lượng góp phần tăng giá trị nông sản
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất; đồng thời, triển khai các mô hình sản xuất an toàn, hữu cơ, xây dựng các mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói để nâng cao giá trị nông sản.
Nhiều mô hình hiệu quả
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, để thích nghi và phát triển đòi hỏi ngành Nông nghiệp tỉnh phải có sự đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và tăng thu nhập của nông dân.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, thời gian qua, Chi cục tổ chức tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật mới ứng dụng trong sản xuất chanh; đánh giá, cấp MSVT, quy trình trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng gắn với yêu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX); hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất chanh; xây dựng 2 mô hình trồng, thâm canh chanh theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, chi phí sản xuất trong các mô hình chưa có sự khác biệt so với chi phí sản xuất ngoài mô hình nhưng giá bán cao hơn bên ngoài từ 2.000 đồng/kg (đối với các hộ nông dân được cấp MSVT xuất khẩu sang châu Âu). Bên cạnh đó, việc ƯDCNC vào sản xuất chanh còn mang lại nhiều hiệu quả khác như cải thiện môi trường, tiết kiệm công lao động và giảm lượng nước tưới so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết, hiện nay, HTX có khoảng 100ha chanh. HTX đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào trồng chanh trong nhiều công đoạn như tưới, phun thuốc và đầu tư dây chuyền sơ chế, phân loại chanh,…
“Việc cơ giới hóa nhiều công đoạn trồng chanh mang lại hiệu quả trong sản xuất, giúp tiết kiệm công lao động và tăng năng suất chanh. Việc đưa phân bón vào hệ thống tưới tự động cho từng gốc chanh giúp tiết kiệm 30% công lao động, 70-75% công tưới nước, bón phân, 40-50% lượng nước tưới; giảm thất thoát và tăng hiệu quả sử dụng của phân bón, giúp cây phát triển tốt. Đặc biệt, mô hình này còn giúp nông dân sản xuất hiệu quả trên các vùng đất thiếu nguồn nước tưới” - ông Thuận nói.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 47.000ha lúa ƯDCNC, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương triển khai, thực hiện nhiều mô hình trồng lúa ƯDCNC để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lúa của nông dân.
Mô hình sản xuất lúa ƯDCNC vụ Hè Thu 2023 tại ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh có 18 hộ tham gia, diện tích 58ha, nông dân sản xuất chủ yếu là nếp IR4625. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, năng suất lúa đạt 7,5-8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1 tấn/ha; chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng đối chứng 1,8 triệu đồng/ha.
Ông Đoàn Văn Coi (ấp kênh Chà, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình, hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt, nhất là nông dân được hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác giúp hạn chế sâu, bệnh gây hại và chi phí sản xuất”.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh - Trần Văn Bưởi thông tin: Năm 2023, Trung tâm triển khai, thực hiện 99 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC, trong đó, có 50 mô hình mới nhân rộng và 49 mô hình duy trì. Qua tổng kết các mô hình cho thấy, nông dân giảm được lượng giống, chi phí phân bón, công lao động, nâng cao lợi nhuận so với diện tích lúa đối chứng khoảng 2 triệu đồng/ha.
Tăng giá trị nông sản
Tỉnh Long An thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh và tiềm năng trong canh tác nông nghiệp, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 300.000ha. Từ đó, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng nông sản và liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng giá trị nông sản.
Huyện Vĩnh Hưng thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, huyện cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn nông sản các loại. Để hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh, những cánh đồng lớn, huyện đã đẩy mạnh ƯDCNC, hình thành tư duy sản xuất hiện đại cho nông dân gắn với phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ.
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng, huyện triển khai các mô hình nông nghiệp ƯDCNC trên cây lúa từ năm 2016. Diện tích lúa ƯDCNC lũy kế đến nay trên 9.500ha. Khi tham gia thực hiện các mô hình, 100% nông dân được tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình IPM, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”,...; 85% diện tích ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác lúa theo hướng bền vững, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; thất thoát trước, trong và sau thu hoạch giảm còn 7,26%; hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được quan tâm nâng cấp, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn được học hỏi nhiều kinh nghiệm canh tác lúa thông qua các buổi thăm đồng cùng cán bộ kỹ thuật.
Phó Trưởng phòng Nông NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho biết: “Thông qua các mô hình, mỗi nông dân là hạt nhân để nhân rộng diện tích lúa trong vùng quy hoạch sản xuất ƯDCNC, tạo ra lúa đạt chất lượng cho nhu cầu xuất khẩu, thể hiện tinh thần tập thể liên kết, hợp tác sản xuất cùng có lợi.
Đồng thời, huyện thực hiện chuỗi sản xuất lúa nâng cao giá trị hàng hóa trong việc canh tác tập trung, đồng nhất một loại giống tạo sản lượng lớn, đủ nhiều để gắn kết với doanh nghiệp thu mua và bao tiêu hết sản phẩm đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân”.
Ngoài cây chanh và cây lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh ƯDCNC trong sản xuất thanh long, rau, con tôm và con bò. Những năm gần đây, ngành còn quan tâm, hỗ trợ xây dựng và cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói cho nông dân, HTX, doanh nghiệp. Đây được xem là “tấm vé thông hành” để nông sản của tỉnh tiếp cận và chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
Thông tin từ Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 288 lượt MSVT với tổng diện tích 13.734,11ha, xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc. Toàn tỉnh cũng có 163 cơ sở đóng gói được cấp mã số, trong đó, có 109 cơ sở thanh long; 31 cơ sở chanh; 2 cơ sở chuối; 21 cơ sở mít, sầu riêng, xoài.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, các địa phương, đơn vị liên quan cần khuyến khích, định hướng, giúp nông dân nhận thức rõ hơn về việc tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị liên quan cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật thâm canh để giảm chi phí, nhất là ƯDCNC trong sản xuất, chế biến và bảo quản để “chinh phục” được các thị trường khó tính nhằm tăng giá trị cho nông sản của tỉnh.
“Việc đẩy mạnh ƯDCNC và mở rộng các diện tích sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu nông sản của tỉnh; đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và quan trọng hơn là mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-cao-chat-luong-gop-phan-tang-gia-tri-nong-san-a162858.html