Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài

Cùng với phong trào khuyến học, khuyến tài trong cả nước, phong trào khuyến học, khuyến tài của tỉnh ta trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, góp phần quan trọng vào thành công chung của giáo dục tỉnh Ninh Bình.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức tọa đàm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức tọa đàm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới.

Nét nổi bật trong thời gian qua là các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức, cơ quan, đơn vị đã nhận thức đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tổ chức Hội khuyến học các cấp được củng cố, phát triển mạnh và hoạt động đạt nhiều kết quả tốt.

Phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị phát triển mạnh mẽ. Đã xuất hiện nhiều mô hình, phương thức học tập đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân ở các khu dân cư.

Hội Khuyến học các cấp cũng đã tích cực vận động, kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm, đoàn thể, nhân dân tham gia xây dựng quỹ khuyến học, góp phần khích lệ, động viên giáo viên, học sinh nỗ lực phấn đấu trong công tác dạy và học.

Tại cấp tỉnh có Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh; Hội Khuyến học tỉnh có Quỹ Khuyến học Trương Hán Siêu; tại cấp huyện có các quỹ khuyến học như: Quỹ Khuyến học Lương Văn Thăng (huyện Nho Quan), Quỹ Khuyến học Nguyễn Công Trứ (huyện Kim Sơn), Quỹ Khuyến học Vũ Duy Thanh (huyện Yên Khánh), Quỹ Khuyến học Tạ Uyên (huyện Yên Mô), Quỹ Khuyến học Ngô Thì Nhậm (thành phố Tam Điệp)...

Công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được triển khai sâu rộng, tạo nền tảng cốt lõi cho việc xây dựng xã hội học tập. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của các cấp học có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi tăng, tỷ lệ học lực yếu giảm.

Trong nhiều năm qua, Ninh Bình luôn nằm trong những tỉnh dẫn đầu về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT; công tác phổ cập giáo dục và xóa mũ chữ đạt mức độ cao nhất, là một trong ba tỉnh dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia các cấp học đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Tuy nhiên, công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta cũng còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập nói chung và xây dựng các mô hình học tập nói riêng chưa thường xuyên; phong trào học tập suốt đời trong cán bộ, công chức, người lao động ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa mạnh; hoạt động của nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn kém hiệu quả...

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm.

Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, ưu tiên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương còn khó khăn. Đa dạng nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo, đổi mới phương thức học tập và tăng cường sử dụng các phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập.

Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Hội khuyến học tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đơn vị học tập; đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài.

Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức hội khuyến học ở cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sôi nổi, rộng khắp.

Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trở thành đơn vị học tập, công dân học tập và gia đình học tập, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân.

Tiếp tục phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xây dựng và triển khai có hiệu quả chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài...

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Đồng thời tạo kiện thuận lợi cho các lứa tuổi, trình độ được học tập thường xuyên, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần vào sự phồn vinh và phát triển của quê hương, đất nước.

Minh Châu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-khuyen-hoc-khuyen-tai/d2021102908098704.htm