Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường chất lượng trong CAND

'Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường chất lượng trong CAND đến năm 2030 và những năm tiếp theo'. Đó là chủ đề hội thảo khoa học do Cục Khoa học, Chiến lược và lịch sử Công an (Bộ Công an) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Trung tướng PGS. TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và lịch sử Công an chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có TS. Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia; đại diện lãnh đạo Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng); đại diện Tổng cục Hải quan; đại diện lãnh đạo các Cục chức năng Bộ Công an và Công an một số địa phương...

Trung tướng PGS. TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và lịch sử Công an chủ trì hội thảo.

Trung tướng PGS. TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và lịch sử Công an chủ trì hội thảo.

Báo cáo và các tham luận tại hội thảo cho thấy, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, KH&CN nói chung và công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nói riêng có vai trò quan trọng và tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Đối với lực lượng Công an, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng là công cụ đắc lực phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công an, là nền tảng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong những năm qua được triển khai từ đơn vị trực thuộc Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương; tham gia trực tiếp vào các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công an, điển hình trên các lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy (PCCC), an ninh, nghiên cứu KHCN, công nghiệp an ninh, cơ yếu, giao thông... Cùng với đó, đây là cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất, sử dụng trong CAND.

TS. Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia đề xuất nhiều ý kiến quan trọng tại hội thảo.

TS. Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia đề xuất nhiều ý kiến quan trọng tại hội thảo.

Nổi bật là Cục Khoa học, Chiến lược và lịch sử Công an đã tham mưu cho Bộ Công an tổ chức xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Công an ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong CAND. Hàng năm Cục đã tiến hành rà soát, soát xét các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) do Công an các đơn vị, địa phương chủ trì biên soạn, đồng thời, phối hợp các bộ, ngành soát xét các TCVN, QCVN có liên quan đến công tác quản lý của Bộ Công an. Lập và trình lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tổ chức biên soạn và trình lãnh đạo Bộ Công an ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên các lĩnh vực được phân công.

Đại tá Vũ Đình Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ phát biểu tham luận.

Đại tá Vũ Đình Khiêm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ phát biểu tham luận.

Đến nay, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia biên soạn 263 tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), trên 270 TCVN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Hệ thống TCCS, TCVN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý chất sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm Bộ Công an và các sản phẩm trang cấp cho lực lượng CAND. Cùng với đó, việc ban hành TCVN, TCCS đã góp phần hoàn chỉnh cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và thúc đẩy sự phát triển toàn diện quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ trong, ngoài ngành Công an. Trong đó, điểm sáng về công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ được thể hiện qua việc sớm đề xuất lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch thực hiện và hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị kịp thời ban hành các QCVN, TCVN phục vụ triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 và Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cũng như góp phần giải quyết những vướng mắc trong đời sống xã hội thuộc lĩnh vực PCCC…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Đồng thời phân tích, chỉ ra nguyên nhân, để đề xuất những giải pháp khắc phục, nêu định hướng nhiệm vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong CAND đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Đại diện Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng phát biểu tham luận, nêu kinh nghiệm từ Bộ Quốc phòng.

Đại diện Bộ Tổng Tham mưu Bộ Quốc phòng phát biểu tham luận, nêu kinh nghiệm từ Bộ Quốc phòng.

Đáng chú ý, TS. Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia đã đưa ra 4 vấn đề gợi mở rất thiết thực, mang tính chất định hướng lớn đối với lĩnh vực này tại hội thảo. Theo đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong CAND, theo ông Hiệp, Bộ Công an cần tập trung triển khai hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Trong đó, đầu tiên là quan tâm xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia một cách tập trung đồng bộ, thống nhất; quan tâm vấn đề đào tạo nhân lực về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. "Thời gian qua, các chương trình đào tạo về lĩnh vực này đã được Bộ Quốc phòng triển khai khá tốt. Bộ Công an nên quan tâm tổ chức hội nghị về chất lượng. Ví dụ, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia hàng năm có tổ chức giải thưởng chất lượng quốc gia, thế giới cũng có."- ông Hiệp nêu.

Đại diện Tổng Cục Hải quan phát biểu tham luận tại hội thảo.

Đại diện Tổng Cục Hải quan phát biểu tham luận tại hội thảo.

Theo ông Hiệp, thời gian qua, ngành Quốc phòng đã làm rất tốt hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000. Đối với ngành ngành Công an, ông Hiệp đề xuất nên tập trung vào một số tiêu chuẩn về an toàn thông tin. Cũng theo ông Hiệp, hiện nay an toàn thông tin có vai trò rất quan trọng vào công tác chuyển đổi số. Những vấn đề bất ổn về an ninh, an toàn thông tin có thể gây ra những bất ổn trong xã hội; ảnh hưởng ANTT, chất lượng cuộc sống của người dân. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia sẵn sàng phối hợp với ngành Công an để hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ trong nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật; quá trình nghiên cứu xây dựng nên tập trung vào tiêu chuẩn ISO 27000 gắn với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

TS. Hà Minh Hiệp đề nghị, ngành Công an cần tham gia sâu hơn trong nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, không chỉ với trách nhiệm các sản phẩm trong ngành mà còn là trách nhiệm chung với quốc gia. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành Công an trong việc tham gia xây dựng tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng PGS. TS Trần Vi Dân khẳng định hội thảo rất chất lượng; ghi nhận đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu tham gia hội thảo. Các ý kiến thảo luận thể hiện sự quan tâm nghiêm túc, sự tận tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương đối với chủ đề hội thảo cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu đối với lực lượng Công an. Đặc biệt, Trung tướng PGS. TS Trần Vi Dân đánh giá cao ý kiến của TS Hà Minh Hiệp, quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia tại hội thảo. Đồng chí khẳng định, 4 vấn đề TS Hà Minh Hiệp đề cập tại hội thảo có tính chất định hướng lớn đối với lĩnh vực này trong toàn quốc, đây cũng là những gợi mở rất quan trọng đối với Bộ Công an.

“Với góc độ là cơ quan chủ trì hội thảo, chúng tôi sẽ tổng hợp kết quả của hội thảo này và những ý kiến khác để báo cáo lãnh đạo Bộ. Trước khi báo cáo, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi xin ý kiến với các đơn vị chức năng Bộ Công an: Viện Khoa học và công nghệ; Trường Cảnh sát PCCC; Cục Viễn thông cơ yếu, Cục Công nghệ thông tin, Cục Công nghiệp an ninh, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH; Cục CSGT, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, các đơn vị chức năng của Bộ Công an để thống nhất các vấn đề liên quan…’ – Trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh.

P. Tâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-tieu-chuan-do-luong-chat-luong-trong-cand-i754230/