Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, những năm qua, tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai các chính sách, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Sơn La.

Sơn La đã chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức phổ biến, quán triệt nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đảm bảo nghiêm túc, đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, thống nhất nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về sự cần thiết trong hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về đầu tư nước ngoài và các tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay.

Một ca sản xuất tại Nhà máy tinh bột sắn BHL Sơn La.Ảnh: PV

Một ca sản xuất tại Nhà máy tinh bột sắn BHL Sơn La.Ảnh: PV

Chính sách ưu đãi về thuế, giá đất, chi phí đầu tư về hạ tầng, thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thuế xuất - nhập khẩu là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, tỉnh Sơn La thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, nên việc thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh đang được áp dụng mức cao nhất theo quy định của Chính phủ và chưa có phát sinh, tranh chấp hoặc dẫn đến khiếu nại về các chính sách đối với dự án. Tỉnh còn ban hành Kế hoạch số 237-KH/TU ngày 25/6/2024 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 21/5/2024 của Ban Bí thư về công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư Quốc tế.

Huy động, thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 5 năm qua, các cơ quan chuyên môn đã tiếp nhận, hướng dẫn 27 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cấp phép lao động cho 54 lao động nước ngoài đến từ các quốc gia Philippines, Ghana, Australia, Moroco, Nhật Bản, Cameroonian, Zimbabwe, Hàn Quốc, Thái Lan, Vương quốc Anh, Đài Loan...

Nhà tuyển dụng Nhật Bản tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh trên địa bàn huyện Yên Châu.

Nhà tuyển dụng Nhật Bản tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh trên địa bàn huyện Yên Châu.

Tăng cường cơ chế quản lý và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong hợp tác, đầu tư nước ngoài, tỉnh tổ chức các chương trình, hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó, tiếp thu và trả lời các ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, HTX với nội dung chủ yếu về hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về: Thủ tục xin gia hạn thuê đất, quy hoạch đất đai; tiền thuê đất; công tác quản lý, phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh; công tác thu hút đầu tư, đăng ký kinh doanh; tiến độ giải phóng mặt bằng, công tác thanh, kiểm tra.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Hằng năm, Sở chỉ đạo đơn vị, phòng chuyên môn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, rà soát, cập nhật bổ sung danh mục các dự án khuyến khích đầu tư của tỉnh, hoàn thành việc xây dựng thông tin chi tiết của các dự án để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư. Hiện nay, danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 đã được đăng tải thông báo trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án tại tỉnh.

Sau 5 năm triển khai, việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La phù hợp với định hướng của phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời, cùng với sự quan tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương đã thúc đấy mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Kết quả, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Sơn La thu hút 10 dự án FDI, trong đó, 2 dự án đăng ký nằm trong Khu Công nghiệp Mai Sơn, 8 dự án đăng ký ngoài Khu công nghiệp, với tổng mức vốn đăng ký đầu tư 159,6 triệu USD.

Hiện nay, tỉnh còn 7 dự án FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với số vốn đăng ký đầu tư là 153,6 triệu USD, 7 dự án đăng ký ngoài Khu công nghiệp. Các dự án FDI chủ yếu về lĩnh vực nông nghiệp được đầu tư với quy mô nhỏ và vừa, vốn đăng ký đầu tư không cao, sản xuất theo mùa vụ. Riêng dự án của Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc (Công ty Blackstone Minerais Limited - Australia) được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu xây dựng các mỏ khai thác đồng, nikel, coban và các khoáng sản đi kèm... là dự án có tổng vốn đầu tư lớn, với 136 triệu USD, diện tích sử dụng đất gần 124 ha.

Tỉnh cũng đã giao cơ quan chuyên môn tiếp nhận, đang thực hiện thẩm định 1 hồ sơ đề xuất dự án mới của Công ty Blackstone Minerais Limited - Nhà máy tinh bột sắn BHL, Nhà máy chế biến sâu Niken công nghệ cao Phù Yên với nhu cầu sử dụng đất 128,55 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 16.029 tỷ đồng.

Một góc Khu Công nghiệp Mai Sơn.Ảnh: PV

Một góc Khu Công nghiệp Mai Sơn.Ảnh: PV

Riêng với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Sơn La có 51 dự án, chương trình, phi dự án từ các khoản viện trợ không hoàn lại phi Chính phủ nước ngoài với tổng giá trị khoảng 26.961.755 USD. Các khoản viện trợ đang có xu hướng tăng về số lượng và quy mô viện trợ, đóng góp quan trọng, thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người dân các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực cho người dân và cán bộ địa phương tham gia dự án.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn là hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện, cách xa các trung tâm kinh tế, xa các thị trường tiêu thụ sản phẩm, chi phí đầu tư cao, chưa thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giao thương thu hút đầu tư nói chung, đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế, mới chủ yếu là các dự án phát triển nông nghiệp tận dụng ưu điểm về khí hậu, tự nhiên, giá trị đầu tư, áp dụng công nghệ, kỹ thuật với quy mô thấp, nhỏ lẻ...

Đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, tỉnh Sơn La đang đề nghị các cấp bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét ban hành cơ chế đặc thù về thu hút các nguồn lực đầu tư cho tỉnh; tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước; ưu tiên hỗ trợ ngân sách giúp tỉnh có điều kiện nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông; quan tâm, tạo điều kiện, tiếp cận các nhà tư vấn, các tổ chức phi chính phủ. Tăng cường quan hệ với các tổ chức song phương, đa phương để tiếp nhận thông tin, được hỗ trợ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn viện trợ không hoàn lại và hiểu rõ nhu cầu, lợi thế của nhà tài trợ về thế mạnh đối với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, từ đó, có kế hoạch vận động thích hợp, đón xu hướng, đưa Sơn La phát triển toàn diện và bền vững.

Quỳnh Ngọc

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hop-tac-dau-tu-nuoc-ngoai-1P33SzHHR.html