Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế: Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các vùng
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm và những khâu đột phá để tập trung lãnh đạo thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 được nghị quyết đề ra: Phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các vùng.
Nâng cao chất lượng
Từ kết quả nhiệm kỳ trước
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đánh giá việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước chuyển dần sang chiều sâu, kinh tế tăng trưởng khá; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và các nhân tố tổng hợp được cải thiện. Quy mô tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh liên tục tăng qua các năm. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều; kinh tế biển được tập trung đầu tư, phát triển đúng hướng; tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy ngày càng hiệu quả hơn, nhất là tiềm năng về năng lượng, du lịch. Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là công nghiệp năng lượng là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh; đặc biệt, cùng với nhiệt điện than, các dự án điện gió, điện mặt trời được đầu tư, hòa lưới điện quốc gia, đã góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng. Lĩnh vực du lịch phát triển theo hướng bền vững; Hạ tầng và nguồn nhân lực ngành du lịch từng bước được nâng dần chất lượng; Hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng ngành du lịch. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày càng ổn định, tăng trưởng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu; Hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ được tăng cường; Các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân; Các chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được duy trì... Lĩnh vực nông ngiệp, nhiệm vụ tái cơ cấu đã đạt kết quả bước đầu, năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống thủy lợi; Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường; Bước đầu thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; Kinh tế tập thể được củng cố, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động; Kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn trước, đa dạng ngành nghề, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào tăng trưởng; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ổn định, đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn về du lịch, năng lượng. Công tác tài chính, tín dụng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Đến nhiệm vụ tiếp theo
Nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 được nghị quyết xác định: Phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các vùng. Theo đó phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Tăng cường liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài, hướng vào các nhà đầu tư lớn, có năng lực. Tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đôn đốc triển khai các dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); Du lịch biển, thể thao biển; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là các giải pháp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến trở thành 1 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, mặt nước, quy hoạch đường truyền tải, vấn đề môi trường... để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí. Kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng. Thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển. Tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia”, trong đó lấy khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và phụ cận làm lỏi lan tỏa. Tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, thể thao biển, giải trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, xây dựng và hình thành mạng lưới các điểm đến du lịch. Xây dựng, gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển. Xây dựng chuỗi đô thị biển đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy Phan Thiết làm trung tâm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khuyến khích chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch; vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi nhỏ, phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo chủ động nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khuyến khích trồng rừng sản xuất với các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với tái tạo, phát triển các loại cây bản địa. Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, đạt mục tiêu đề ra, góp phần cải thiện điều kiện sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, miền núi, bãi ngang ven biển và giữ gìn vệ sinh môi trường...
Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã được nghị quyết đề ra rất rõ ràng, cụ thể. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Bảo Tín