Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở
Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở (CĐCS) là chủ đề hoạt động của tổ chức Công đoàn năm 2020. Theo đó, ngay từ đầu năm, các cấp Công đoàn tỉnh đã triển khai đồng bộ chủ đề này trong hệ thống Công đoàn, nhằm hướng đến chăm lo, bảo vệ quyền lợi thiết thực của người lao động (NLĐ).
Theo các cán bộ Công đoàn, hoạt động CĐCS đóng vị trí, vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp (DN). Nơi nào Công đoàn hoạt động tốt, hiệu quả, chắc chắn phúc lợi của NLĐ được cải thiện và nâng cao. Quan hệ lao động trở nên ổn định, hài hòa, tiến bộ.
* Phát huy sáng tạo ở CĐCS
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, năm 2019 nhiều CĐCS tại các đơn vị, DN đã trở thành điểm tựa vững vàng của đoàn viên, NLĐ, quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm NLĐ. Cùng với đó, kịp thời giải quyết bức xúc, kiến nghị, chú trọng hơn trong công tác chăm lo đời sống và đảm bảo các chính sách liên quan đến NLĐ.
Theo LĐLĐ tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có hơn 26 ngàn cán bộ CĐCS (từ tổ phó Công đoàn trở lên) của 2.858 CĐCS với 716.293 đoàn viên/763.397 lao động. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ CĐCS sẽ được triển khai sớm trong thời gian tới nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng và phương thức hoạt động tại cơ sở.
Căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị và nội dung phát động thi đua của DN, các CĐCS đã tổ chức nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, với nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều CĐCS đã thực hiện các mô hình ý nghĩa, thiết thực, nhân văn cải thiện đời sống NLĐ như: hỗ trợ NLĐ vay vốn cải thiện đời sống, xây dựng mái ấm Công đoàn, hỗ trợ công nhân bị bệnh hiểm nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn... Ngoài ra, với sự nhanh nhạy của cán bộ CĐCS trong quá trình thương lượng, thuyết phục, giúp DN hiểu và cùng phối hợp tổ chức tốt quy chế dân chủ, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể và nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca... Hằng năm, các DN đã trích kinh phí xây dựng nhà ở, khu vui chơi để NLĐ rèn luyện tái tạo sức lao động.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả nổi bật, hoạt động Công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và hạn chế. Việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa cán bộ CĐCS với DN ở một số đơn vị chưa được thực hiện khoa học, chất lượng, hiệu quả còn thấp. Chưa kể, một số cán bộ CĐCS còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Vì vậy, việc nợ lương, thưởng và bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động vẫn diễn ra tại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống NLĐ.
Theo Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Nông Văn Dũng, để phát huy những mô hình hoạt động hiệu quả ở cơ sở, khắc phục những hạn chế và tồn tại, các cấp Công đoàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối với CĐCS theo hướng sâu sát, thiết thực, xuất phát từ yêu cầu của cơ sở và số đông đoàn viên, NLĐ. Phát huy tính sáng tạo của CĐCS trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn của đơn vị, DN, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi.
Cùng với đó, phát huy vai trò chủ động, tích cực của CĐCS trong tổ chức thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ, chú trọng đối thoại để giải quyết những vấn đề mà đoàn viên, NLĐ quan tâm. Tăng cường định hướng thông tin tuyên truyền ở cơ sở, tổ chức các hoạt động ở cơ sở thật sự xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, đề xuất và thực tế đời sống NLĐ.
* Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ CĐCS
Theo LĐLĐ tỉnh, muốn CĐCS hoạt động tốt, trước hết phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ CĐCS và tăng cường sự gắn kết giữa đoàn viên với cán bộ Công đoàn. Các cấp Công đoàn, các ban chuyên đề LĐLĐ tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn của đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, chuẩn hóa và nâng cao trình độ cán bộ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phương pháp hoạt động đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Định Quán Nguyễn Chánh Bổn cho hay, việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS rất cần thiết, bởi khi cán bộ CĐCS có năng lực, biết thuyết phục DN có những chính sách tốt, chắc chắn NLĐ sẽ hưởng quyền lợi nhiều hơn. “Qua những đợt đến kiểm tra hoạt động CĐCS tại các DN trên địa bàn huyện, tôi thấy rằng hoạt động CĐCS hiệu quả khi cán bộ Công đoàn có uy tín, được DN ủng hộ và hỗ trợ để phát triển, cùng hợp sức chăm lo cho NLĐ”- ông Bổn cho hay.
Thực tế, thời gian qua, nhiều cán bộ CĐCS cho rằng họ gặp không ít khó khăn trong việc thương lượng với DN các chính sách phúc lợi của NLĐ dẫn đến NLĐ còn thiệt thòi về quyền lợi. Bên cạnh đó, một số cán bộ Công đoàn năng lực còn yếu, thay đổi công việc chuyên trách liên tục cũng là trở ngại để hoạt động CĐCS phát triển. Chưa kể, các hoạt động, phong trào dành cho NLĐ tại DN còn mờ nhạt, chưa có sự sáng tạo và xây dựng chương trình hoạt động cụ thể. Vì vậy, nhiều nơi, đời sống tinh thần, vật chất NLĐ chưa được cải thiện.
Theo anh Hồ Thanh Thùy, Phó chủ tịch CĐCS Công ty TNHH công nghiệp gốm sứ Taicera (huyện Long Thành), CĐCS hoạt động hiệu quả hay không là nhờ vào sự nhanh nhạy của cán bộ Công đoàn. Cán bộ CĐCS phải có kiến thức tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể để tiến tới đại diện cho NLĐ ký thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, phải có kỹ năng tham gia xây dựng thang bảng lương, quy chế khen thưởng, xây dựng kế hoạch của DN về an toàn lao động, vệ sinh lao động; giải quyết tranh chấp lao động và mạnh dạn giám sát, kiến nghị việc thực hiện pháp luật lao động tại DN. Vì vậy, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn nên xuất phát từ yêu cầu, thực tế và mong muốn nhiều hơn từ cán bộ CĐCS.
Trong khi đó, anh Hồ Hoàng Anh, Giám đốc sản xuất kiêm Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Elite Long Thành (huyện Long Thành) cho biết, để ổn định tình hình làm việc, mỗi ngày DN và CĐCS đều dành 30 phút để trao đổi công việc và nắm bắt kiến nghị, giải quyết trong ngày chứ không để kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất. Về các chế độ, phúc lợi, dựa trên ý kiến NLĐ để cải thiện chứ không phải theo sự sắp xếp của DN. Mọi hoạt động phải tạo sự đồng bộ và CĐCS phải tạo được cầu nối gắn kết DN và NLĐ gần nhau, hiểu nhau. Có như vậy, hoạt động CĐCS mới phát huy hiệu quả.
“Khi cán bộ CĐCS đã nói hoặc hứa hẹn với đoàn viên, NLĐ về vấn về nào đó trong công việc hay chế độ, phải cố gắng làm hết khả năng để tạo niềm tin với NLĐ. Không nên hứa suông hoặc làm ngơ mà phải tôn trọng ý kiến NLĐ. Có như vậy, mới thu hút nhiều NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn, cùng CĐCS phát triển tại DN và gắn bó, giúp DN ổn định sản xuất”- anh Hồ Hoàng Anh chia sẻ.
Nhiều cán bộ CĐCS có kinh nghiệm cho rằng, việc bồi dưỡng nghiệp vụ nên dựa trên những tình huống cụ thể xảy ra tại các DN để giúp cán bộ CĐCS dễ hiểu, dễ áp dụng hơn. Bởi khi áp dụng thực tế, cán bộ CĐCS có nghiệp vụ thôi chưa đủ mà còn phải có năng khiếu, khéo léo thì hoạt động CĐCS mới phát triển, được DN ủng hộ và đoàn viên tin tưởng. Bên cạnh đó, mọi hoạt động hay các phong trào phải lấy ý kiến NLĐ, đảm bảo tính dân chủ, hài hòa.
Công nhân Trần Thị My, làm việc tại Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho hay: “Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng Công đoàn sẽ tiếp tục có nhiều chương trình thiết thực, cụ thể cải thiện điều kiện làm việc, đời sống NLĐ. Đặc biệt, sẵn sàng đứng ra bảo vệ, lắng nghe chia sẻ khi đoàn viên, NLĐ cần. Đó là điều mà nhiều NLĐ mong muốn, từ đó tin tưởng và tự nguyện gia nhập, gắn bó với Công đoàn”.