Nâng cao chất lượng hoạt động HTXNN ở Lý Nhân

Huyện Lý Nhân luôn xác định nông nghiệp là một trong những hướng đi chính đem lại thu nhập của người dân. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới; trong đó, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là nhiệm vụ tổ chức sản xuất và điều hành hoạt động các dịch vụ.

Tìm hiểu tại các HTXNN trên địa bàn huyện Lý Nhân cho thấy, các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng và hoạt động hiệu quả. Tất cả các HTX đều thực hiện những khâu dịch vụ thiết yếu, gồm: Thủy nông, khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y và hướng đến phát triển các dịch vụ thỏa thuận thúc đẩy sản xuất phát triển, như: Cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ nông sản, cơ giới hóa…

Điển hình như tại HTXNN Nhân Mỹ đang triển khai một số dịch vụ thỏa thuận cho xã viên, gồm: Cung ứng vật tư phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ nông sản... Từ hoạt động dịch vụ của HTX, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Nhân Mỹ có sự thay đổi căn bản theo hướng hàng hóa, tập trung. Tại xã đã xây dựng được 9 cánh đồng mẫu cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc, gồm: 2 cánh đồng mẫu quy mô hơn 30 ha/cánh đồng, các cánh đồng mẫu còn lại có diện tích từ 7 – 15 ha/cánh đồng. Mỗi vụ, HTXNN Nhân Mỹ tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp được khoảng 50 ha, trên các cánh đồng mẫu, cho giá trị cao gấp 1,2 lần ngoài mô hình…

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTXNN Nhân Mỹ cho biết: Trong điều kiện hiện nay, HTXNN cần phát huy tốt vai trò cả trong điều hành, làm dịch vụ. Chất lượng hoạt động của HTX được nâng lên chính ở những dịch vụ thỏa thuận giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Diện tích trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao ở HTX Chân Lý (Chân Lý, Lý Nhân).

Diện tích trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao ở HTX Chân Lý (Chân Lý, Lý Nhân).

Hiện, một số HTXNN trong huyện đã hình thành các dịch vụ mới thúc đẩy đưa cơ giới vào các khâu sản xuất, như: Khâu gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ riêng diện tích lúa cấy máy của huyện đã được mở rộng khoảng 800 ha/vụ. Một số địa phương sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật trong phòng, trừ sâu, bệnh…

Ở HTXNN Nhân Phúc (Phú Phúc) phát triển thêm dịch vụ mạ khay, máy cấy và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa kết hợp cùng những dịch vụ thiết yếu. Từ dịch vụ thỏa thuận của HTX, cơ giới hóa trên đồng ruộng tại Nhân Phúc đã có bước đột phá mới. Trong vụ xuân 2024 toàn HTX đã có hơn 100 ha lúa, chiếm trên 80% diện tích sản xuất được áp dụng cấy máy và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay điều khiển từ xa.

Theo ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTXNN Nhân Phúc, dịch vụ thỏa thuận cơ giới hóa của HTX giúp tổ chức và điều hành tốt trong quá trình thực hiện cả về quy hoạch vùng, bố trí lịch gieo cấy phù hợp. HTXNN ký hợp đồng với đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ bảo đảm cả thời gian, chất lượng cho người dân…

Qua đánh giá, 39 HTXNN trên địa bàn huyện theo thang điểm, có 15 HTX hoạt động tốt (đạt 80 – 100 điểm); 15 HTX hoạt động khá (từ 65 – dưới 80 điểm); 9 HTX trung bình. Từ hoạt động của các HTXNN, sản xuất nông nghiệp của huyện Lý Nhân duy trì và phát triển. Cơ giới hóa từng bước được áp dụng đồng bộ trên đồng ruộng. Thực hiện liên kết sản xuất, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó, cây dưa chuột xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao vẫn được duy trì diện tích mỗi năm trên 500 ha.

Tại xã Chân Lý có diện tích trồng dưa chuột xuất khẩu tập trung vụ đông 100 ha, vụ xuân hơn 50 ha do các HTXNN trên địa bàn tổ chức liên kết sản xuất được với doanh nghiệp thu mua chế biến. Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác của huyện đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm, những diện tích trồng cây hàng hóa đạt từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các HTXNN tại huyện Lý Nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ quản lý HTXNN hầu hết tuổi đời khá cao, năng lực chuyên môn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tư duy kinh tế chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường; thu nhập đối với cán bộ làm việc trong khu vực HTX còn thấp, khó thu hút cán bộ trẻ, những người có năng lực, trình độ tham gia vào quản lý HTXNN; một số HTXNN quy mô sản xuất nhỏ lẻ…

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, HTXNN trong giai đoạn phát triển mới hiện nay đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, cần có sự nhìn nhận, đánh giá đúng, nhất là những mặt còn hạn chế, khó khăn, từ đó có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện huyện đang chỉ đạo các HTXNN tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng năng động, hiệu quả, bền vững.

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn rà soát, đánh giá lại chất lượng hoạt động các HTX. Đồng thời, quan tâm đến công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý HTXNN bảo đảm thực sự có năng lực. Cùng với đó, từng bước trẻ hóa cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới HTX.

Được biết, huyện Lý Nhân đang tính toán chuyển đổi HTXNN sang loại hình tổ chức khác phù hợp đối với những nơi không còn nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyên, cùng với những giải pháp nêu trên, vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng hoạt động các HTXNN là có chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ HTX để họ yên tâm công tác và phát huy được khả năng trong quá trình quản lý, điều hành thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-htxnn-o-ly-nhan-122714.html