Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là một trong những hoạt động trọng tâm của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cũng như các hội thành viên. Với hoạt động này, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh và đội ngũ trí thức có thêm cơ hội đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của xã hội.
Về bản chất đây là hoạt động cung cấp cho các cơ quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện đề án (gồm các đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức...).
Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền. Phản biện là đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra. Giám định xã hội là việc theo dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án.
Hoạt động TVPB&GĐXH mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Trên cơ sở Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/8/2016, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND về quy định hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những căn cứ pháp lý để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội.
Quán triệt và thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội và các hội thành viên ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả rõ rệt. Các quyết định quan trọng đó đã tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội và các đơn vị thành viên ; đồng thời quy trình, nội dung tổ chức thực hiện ngày càng được chuẩn hóa, bài bản; số lượng, chất lượng các nhiệm vụ TVPB&GĐXH ngày một tăng lên. Nếu như trong giai đoạn 2010-2015, Liên hiệp hội và các hội thành viên thực hiện 29 nhiệm vụ, hoạt động TVPB&GĐXH ; thì đến giai đoạn 2016-2020 đã nâng lên 50 nhiệm vụ và hoạt động, tăng gần gấp 2 lần giai đoạn trước.
Vài năm gần đây, hoạt động TVPB&GĐXH càng được đẩy mạnh, đi sâu vào các vấn đề có tính trọng tâm, trọng điểm của các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một số địa phương. Trong đó, một số nhiệm vụ đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của dư luận xã hội và giới chuyên môn; nhiều ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về các chương trình, đề án có liên quan đến các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, UBND một số huyện, thành, thị được tiếp thu để điều chỉnh nội dung kế hoạch, chương trình, dự án.. Hơn thế, một số nội dung TVPB&GĐXH có ý nghĩa quan trọng, phạm vi tác động lớn đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương, đơn vị tiếp thu, thực hiện...
Tuy còn bộc lộ một số bất cập về hình thức, mức độ; chẳng hạn chất lượng một số ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn hạn chế, không ít trường hợp ý kiến đưa ra còn chậm, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu; nhận thức về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn chưa thống nhất...nhưng vẫn có thể khẳng định: Hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã góp phần phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức vào quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án quan trọng của tỉnh, ngành, lĩnh vực, địa phương; cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động TVPB&GĐXH phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng, tôi cho rằng cần tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Liên hiệp Hội là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đi cùng nhiệm vụ đó là đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội, tổ chức KH&CN thành viên.
Chủ thể của hoạt động TVPB&GĐXH cơ bản là đội ngũ trí thức KH&CN; khách thể là các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có yêu cầu hoặc bắt buộc phải có yêu cầu. Để có chủ thể TVPB&GĐXH đủ tầm, trong xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của trí thức KH&CN và xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN đủ mạnh cả về lượng và chất. Bởi trên thực tế, trí thức KH&CN đóng vai trò động lực thúc đẩy việc nâng cao dân trí bằng nỗ lực khai sáng, quảng bá thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN, trí thức hóa về KH&CN trong nhân dân và trong đời sống xã hội. Đội ngũ trí thức KH&CN tiên phong thúc đẩy đổi mới tư duy, xây dựng phong cách tư duy khoa học.
Trí thức KH&CN có vai trò to lớn trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học, đặc biệt là đào tạo, gây dựng các tài năng khoa học trong thế hệ trẻ, phát triển những tài năng sáng tạo, có nhân cách trung thực, có hoài bão lớn và bản lĩnh đủ sức xây dựng nền khoa học hiện đại. Chính đội ngũ trí thức KH&CN sẽ là người giải quyết những vấn đề KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa xã hội, làm chủ những thành tựu KH&CN, góp sức giải quyết thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KH&CN, phát triển kinh tế - xã hội.
Trí thức KH&CN có ưu thế về hàm lượng trí tuệ trong các ý kiến tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cần đề cao trách nhiệm, đạo đức của trí thức KH&CN trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đi đôi với tôn trọng sự tự do sáng tạo của trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan trong những nội dung báo cáo TVPB&GĐXH...
Một nội dung có tính điều kiện cho hoạt động TVPB&GĐXH là tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong đó có cơ chế giao nhiệm vụ/ đặt hàng của Đảng và Nhà nước; cơ chế phối hợp với các cơ quan tham mưu; những quy định liên quan đến tham mưu, đề xuất và các loại hình dự án, công trình, đối tượng thực hiện; cơ chế đảm bảo tài chính...
Phát huy kết quả đẫ đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, hy vọng trong năm 2024, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội và các hội thành viên sẽ gặt hái thêm nhiều thành công, chất lượng, hiệu quả hoạt động TVPB&GĐXH sẽ được nâng cao và có thêm nhiều chuyển biến mới.