Nghiêm túc tiếp thu, phản hồi kiến nghị sau giám sát
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ ngày càng được nâng cao chất lượng, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, Nhân dân tin tưởng. Nhiều kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Thực hành dân chủ
Giám sát, phản biện xã hội là phương thức thực hành dân chủ và kiểm soát quyền lực trong quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong 5 năm (2019-2024), ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng và chủ trì giám sát 736 chuyên đề, nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, gắn với giám sát người đứng đầu theo Quy định 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư.
Ủy ban MTTQ các cấp cũng đã tổ chức 205 cuộc phản biện xã hội, nội dung phản biện tập trung vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, được dư luận đánh giá cao, mang tính thực tiễn, thể hiện được ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Nổi bật là phản biện xã hội Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên; Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) đã được đơn vị chủ đầu tư tiếp thu các ý kiến phản biện, đảm bảo được lợi ích chính đáng của người dân.
Còn nhớ hồi tháng 3/2024, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) tại các xã có tuyến đường đi qua, gồm An Chấn, An Mỹ, An Hòa Hải (huyện Tuy An) và xã An Phú (TP Tuy Hòa), nhiều người dân xã An Phú phản biện gay gắt vì cho rằng hướng tuyến mà dự án đưa ra là chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là vấn đề nhà ở.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia và người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị chủ đầu tư giải trình, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về hướng tuyến đi qua xã An Phú để đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án.
Tiếp thu các kiến nghị này, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã làm việc với UBND TP Tuy Hòa. Qua đó, ngày 29/5/2024, UBND TP Tuy Hòa đã có cuộc họp và thống nhất đưa ra phương án giải pháp thiết kế dịch chuyển cục bộ hướng tuyến về phía Đông so với hướng tuyến đã được thiết kế ban đầu..., qua đó hạn chế ảnh hưởng đến nhà cửa của các hộ dân nơi đây.
“Từ đó đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh không còn nhận bất cứ đơn kiến nghị hay khiếu nại nào liên quan đến Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1). Đây là hiệu quả rõ rệt nhất của phản biện xã hội khi chủ đầu tư tiếp thu các ý kiến phản biện, đảm bảo được lợi ích chính đáng của người dân”, bà Trần Thị Vân Anh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay.
Không chỉ có Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1), nhiều văn bản phản biện xã hội của MTTQ đã có những góp ý cụ thể, sâu sắc đối với các dự án, dự thảo văn bản của các cơ quan chủ trì xây dựng, được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao và ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khả thi, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội…
Cần thực hiện nghiêm túc, kịp thời
Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, trong 5 năm qua, MTTQ cấp tỉnh đã nhận được 51/51 văn bản tiếp thu trả lời sau giám sát của cấp có thẩm quyền; cấp huyện có 42/91 văn bản tiếp thu trả lời sau giám sát, cấp xã có 123/594 văn bản tiếp thu trả lời sau giám sát. Việc tiếp thu, phản hồi của đối tượng giám sát, phản biện xã hội chính là căn cứ để đánh giá hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, việc tiếp thu, phản hồi của đối tượng được giám sát, phản biện được hiểu là tính nghiêm túc trong việc tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành và thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, phản biện xã hội đối với các yêu cầu của chủ thể giám sát, phản biện xã hội một cách đầy đủ, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
Đánh giá đúng việc phản hồi, tiếp thu ý kiến kết quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp thu, phản hồi, giải quyết kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vẫn còn một số cơ quan chức năng thực hiện chưa nghiêm túc, kịp thời; nhiều văn bản trả lời của cơ quan chức năng chưa cụ thể, một số văn bản trả lời chỉ mang tính chất thông báo, hình thức; nhiều ý kiến phản biện xã hội của mặt trận vẫn chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình và phản hồi cho MTTQ.
Để thực hiện tốt hơn nữa việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị các cấp ủy tiếp tục quan tâm đến công tác này, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của mặt trận theo Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư, đặc biệt quan tâm đến việc tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của mặt trận, xác định đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá việc thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện tiếp thu, phản hồi kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của mặt trận; nghiên cứu ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế tiếp thu, phản hồi ý kiến kiến nghị sau giám sát, sau phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.