Nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương:Bài 3: Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán
Trong điều kiện thời gian, nhân sự hạn chế, các Đoàn kiểm toán cần chú trọng khâu lập kế hoạch kiểm toán, cụ thể hóa trọng yếu, rủi ro, mục tiêu, nội dung và phương pháp tại từng đơn vị được kiểm toán, nhất là các cơ quan quản lý tổng hợp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phát hành báo cáo kiểm toán, làm cơ sở để Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương (NSĐP) vào kỳ họp đầu tháng 12 hằng năm.

KTNN khu vực VII tổ chức Hội nghị công bố Quyết định Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2024 của tỉnh Lai Châu. Ảnh: TL
Những lưu ý khi triển khai kiểm toán
Kiểm toán BCQT NSĐP được đánh giá là nội dung kiểm toán khó, gắn với việc lập, phân bổ, giao dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách, đòi hỏi tính tổng hợp cao. Từ thực tiễn triển khai kiểm toán thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực II cho rằng, khi kiểm toán xác nhận BCQT thu NSĐP, kiểm toán viên (KTV) cần chú ý đánh giá kết quả thực hiện so với dự toán thu, mức độ tăng giảm và nguyên nhân tăng giảm, từ đó đánh giá được tính bền vững của các khoản thu NSĐP.
Đặc biệt, chú trọng đến các khoản thu bổ sung từ ngân sách cấp trên, thu chuyển nguồn từ năm trước sang vì đây là các nội dung thường tiềm ẩn các sai sót. KTV lưu ý một số nội dung: Kiểm toán việc hạch toán, đối chiếu số liệu quyết toán thu theo nội dung, mục lục ngân sách; hạch toán, điều chỉnh nội dung thu; xử lý các khoản tạm thu, thu chưa đưa vào cân đối. Đồng thời, kiểm toán các khoản thu bổ sung từ ngân sách cấp trên, thu cấp dưới nộp lên, chi nộp ngân sách cấp trên, chi viện trợ; việc tổng hợp, rà soát các khoản thu chuyển nguồn; thu kết dư năm trước.
Đối với các nội dung này, sai sót có thể xảy ra là hạch toán không đúng phân cấp, tỷ lệ điều tiết; hạch toán sai mục lục ngân sách; điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu và ghi thu, ghi chi không đúng quy định... Bên cạnh đó, còn có những sai sót là không thực hiện bán đấu giá tài sản tịch thu theo quy định, định giá tài sản bán đấu giá thấp hơn giá thị trường; chưa kịp thời xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ đã đủ điều kiện nộp ngân sách nhà nước (NSNN); thu tiền sử dụng đất, tiền bán tài sản chưa nộp ngân sách.
Đối với kiểm toán xác nhận quyết toán chi ngân sách, KTV cần chú trọng tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc NSĐP; tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; giao dự toán và đưa vào quyết toán chi thường xuyên một số nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản; việc quyết toán một số khoản mục thuộc dự toán chi thường xuyên vào chi đầu tư xây dựng cơ bản; hạch toán quyết toán đối với chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp.
Trên cơ sở đánh giá rủi ro xác định trọng yếu đối với kiểm toán thu chi báo cáo quyết toán NSĐP, Đoàn kiểm toán lựa chọn những khoản mục trọng yếu thực hiện kiểm toán tại các cơ quan như Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh để đánh giá việc tổng hợp quyết toán của địa phương đã đảm bảo tính chính xác, phù hợp với quy định của Luật NSNN và chế độ kế toán của Kho bạc Nhà nước. Tại cơ quan tài chính, KTV tập trung kiểm toán chi thường xuyên thông qua kiểm toán việc tổng hợp quyết toán; kiểm tra, đánh giá công tác quyết toán NSNN, tính đúng đắn, trung thực của số liệu kế toán và số liệu trên báo cáo quyết toán NSNN. Sai sót có thể xảy ra là số liệu quyết toán năm đối chiếu giữa cơ quan tài chính và cơ quan kho bạc chỉ khớp đúng về tổng số, không khớp trong chi tiết; việc tổng hợp theo nội dung, mục lục ngân sách chưa đảm bảo chính xác và khớp đúng.
Liên quan đến chi chuyển nguồn sang năm sau, KTV lưu ý các vấn đề chi chuyển nguồn không đủ thủ tục, thời hạn; chi chuyển nguồn đối với những khoản đã hết nhiệm vụ chi; không chi chuyển nguồn đối với khoản còn nhiệm vụ chi; phân bổ kinh phí chuyển nguồn năm sau không đúng nhiệm vụ; hồ sơ chi chuyển nguồn không đầy đủ. Lưu ý những khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi của năm ngân sách nhưng để kết dư; số thu kết dư của NSĐP chuyển sang lớn hơn số kết dư năm trước; để kết dư ngân sách những khoản kinh phí còn nhiệm vụ chi…
Khi kiểm toán các khoản chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới, chi nộp ngân sách cấp trên, chi viện trợ, KTV lưu ý khi số bổ sung cân đối không đúng quy định; bổ sung có mục tiêu cho huyện để thực hiện các nhiệm vụ vượt quá khả năng của huyện; số kinh phí bổ sung có mục tiêu chưa tương xứng nhiệm vụ được giao; số liệu quyết toán chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới với số liệu quyết toán thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên của huyện không khớp đúng; phản ánh số liệu chi các cấp nộp trả chưa đầy đủ, chính xác; chi viện trợ không đúng mục đích, chưa được phê duyệt đầy đủ.
Hoàn thiện các quy trình, hướng dẫn kiểm toán
Nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP và BCQT NSĐP là một mục tiêu quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách, góp phần vào việc quản lý tài chính công tốt hơn. Theo KTNN khu vực VII, trước tiên, KTNN cần hoàn thiện, bổ sung hướng dẫn kiểm toán và quy định về mẫu biểu hồ sơ kiểm toán lĩnh vực NSĐP. Cụ thể: Xây dựng tiêu chí, các nội dung, cách tổ chức kiểm toán hoạt động trong kiểm toán NSĐP, qua đó nâng cao vai trò của KTNN trong đánh giá tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý, điều hành NSĐP. Ban đầu, có thể kiểm toán hoạt động với phạm vi, quy mô nhỏ (chi giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường...), tiến tới mở rộng nội dung, lĩnh vực, phạm vi kiểm toán hoạt động theo lộ trình.
KTNN cần xây dựng và ban hành quy định cụ thể để hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCQT NSĐP. Trong đó, xây dựng phương pháp chọn mẫu trong kiểm toán BCQT NSĐP dựa trên đánh giá rủi ro, đảm bảo đủ thông tin để xác nhận quyết toán NSNN, tránh việc thực hiện các thủ tục không cần thiết lãng phí thời gian, nhân lực; căn cứ vào tính chất, đặc điểm, quy mô và cơ cấu thu chi của địa phương, kết quả đánh giá rủi ro kiểm toán để quyết định tỷ lệ xác định mức trọng yếu đối với tổng thể BCQT NSĐP.
Thực tiễn cho thấy, để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần hoàn thiện các hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP theo hướng tập trung vào kiểm toán đưa ra ý kiến xác nhận BCQT. Bên cạnh đó, các Đoàn kiểm toán tập trung vào khâu khảo sát, lập kế hoạch, xác định mục tiêu kiểm toán cụ thể cho từng cuộc kiểm toán phù hợp với chức năng quản lý nhà nước và tính chất từng địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, sớm gửi các đề nghị cung cấp thông tin, số liệu, hồ sơ để địa phương có thời gian chuẩn bị, triển khai đến các cơ quan, đơn vị liên quan; thường xuyên liên lạc với địa phương để đôn đốc và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán./.