Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đây là Chương trình mục tiêu Quốc gia mang tính toàn diện, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển lâu dài, bền vững ở khu vực nông thôn, hướng đến "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 55,43 triệu lao động, trong đó gần 37 triệu lao động ở nông thôn. Nguồn nhân lực (NNL) nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn là yếu tố quan trọng quyết định trong xây dựng nông thôn mới nói chung và phát triển kinh tế khu vực này nói riêng. Tuy nhiên, ở nước ta chất lượng nguồn nhân lực nông thôn còn nhiều hạn chế, đại bộ phận lao động nông thôn chưa được qua đào tạo, điều này làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Vì vậy, để phát triển kinh tế, góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực này.

Một số khái niệm

NNL là toàn bộ những năng lực, hoạt động thể chất và tinh thần, trình độ nghề nghiệp, kinh nghiệm và phong cách, phẩm chất nhất định đang và sẽ tham gia vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.

Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định hàng đầu trong hiệu quả của nền sản xuất. Chất lượng nguồn nhân lực cần phải được phân tích trên các yếu tố hợp thành là: Trí lực và thể lực. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải tập trung vào tăng cường hai yếu tố trí lực và thể lực của toàn bộ lực lượng lao động xã hội, đặc biệt là năng lực tinh thần, trí lực của nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực nông thôn là một bộ phận cấu thành của nguồn nhân lực xã hội. Nguồn nhân lực nông thôn là tổng thể sức lao động trong khu vực nông thôn, bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động và những người ngoài tuổi lao động nhưng vẫn tham gia làm việc trong khu vực nông thôn.

Chất lượng của NNL nông thôn hay NNL nói chung là khả năng về sức sản xuất của thể lực, trí lực của người lao động. Khả năng này được phản ánh qua trình độ văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động, kinh nghiệm sản xuất, tình trạng sức khỏe, cũng như hành vi và giá trị của người lao động. Chất lượng của NNL là nhân tố có tính chất quyết định đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của một đất nước. Hầu hết các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp mới - NICs đều chú trọng đầu tư vào nguồn vốn con người và coi đó là nguồn đầu tư mang lại hiệu quả lớn nhất. Chất lượng của NNL nông thôn nói riêng và NNL xã hội nói chung tất yếu sẽ biến đổi theo xu hướng không ngừng tăng lên do sự phát triển của khoa học kỹ thuật và vì vậy năng suất lao động ngày càng nâng cao.

Mặt khác, khi nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn sức khỏe con người, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Chất lượng của nguồn nhân lực sẽ được nâng cao thông qua đầu tư và các chính sách phát triển của Nhà nước vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục.

Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam sau triển khai xây dựng NTM.

Việt Nam hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý I/2019:

Lực lượng lao động: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,43 triệu người. Tỷ lệ lao động tham gia lực lượng lao động 76,6%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,8 triệu người. Mức độ tham gia lực lượng lao động của dân cư khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn khác biệt đáng kể, thành thị: 68,7%; nông thôn: 81,2%; ở các nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị đều thấp hơn nông thôn, trong đó chênh lệch nhiều nhất ở nhóm 15-24 tuổi và nhóm từ 50 tuổi trở lên. Những thông tin này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường này muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động nước đang phát triển với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Lao động có việc làm: Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trên cả nước ước tính là 54,3 triệu người. Lao động có việc làm đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên trong quý I năm 2019 ước tính là 12,1 triệu người, chiếm 22,2% số lao động có việc làm của toàn quốc.

Cơ cấu lao động trong các ngành đang có sự chuyển dịch từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng và dịch vụ. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính là 19,2 triệu người, chiếm 35,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 15,6 triệu người, chiếm 28,6; khu vực dịch vụ là 19,5 triệu người, chiếm 36,0%. Đây là xu hướng chuyển dịch tất yếu do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước.

“Lao động giản đơn” thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam, chiếm 35% lao động có việc làm trên toàn quốc. Tỷ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên) cho người lao động còn thấp (khoảng 22,5% đối với lực lượng lao động và 22,2% đối với lao động có việc làm). Toàn quốc có khoảng 1,1% lao động là “lãnh đạo trong các ngành, các cấp và các đơn vị”. Tỷ trọng này ở nam giới cao gấp 2,5 lần ở nữ giới (tương ứng là 1,6% so với 0,6%), ở khu vực thành thị cao gấp gần 4 lần khu vực nông thôn (tương ứng là 2,3% so với 0,6%), những lao động này hầu hết đều đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (chiếm 99,2%).

Tuyệt đại bộ phận lao động trong nông nghiệp, nông thôn hoạt động sản xuất nhờ kỹ thuật do thế hệ cha ông truyền lại hoặc tích lũy qua hoạt động và học hỏi trực tiếp lẫn nhau.

Thất nghiệp, thiếu việc làm: Theo quy chuẩn quốc tế về người được coi là người thất nghiệp thì số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước gần 1,1 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước là 2,17%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động thành thị là 3,11%, nông thôn là 1,67%.

Số thanh niên (người từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp ước khoảng 448,5 nghìn người, chiếm 40,4% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ước là 6,27%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,49%, khu vực nông thôn là 4,64%. Tỷ lệ thất nghiệp nông thôn thấp hơn so với thành thị do lao động nông thôn chủ yếu rơi vào tình trạng thiếu việc làm.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước là 1,21%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,6%, ở khu vực nông thôn là 1,53%. Đa phần những người thiếu việc làm hiện làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 71,1% trong tổng số người thiếu việc làm). Tỷ lệ người lao động thiếu việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2,4%, cao gấp 6 lần tỷ lệ thiếu việc làm của người lao động làm việc trong khu vực “dịch vụ” và khu vực “công nghiệp và xây dựng”.

Thu nhập bình quân của nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước. Đến nay thu nhập của khu vực này tuy có cải thiện nhưng vẫn thấp so với bình quân chung cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) trong khu vực nông nghiệp chỉ bằng 38,1% NSLĐ của ngành kinh tế. Lao động trong khu vực này đang kéo tụt NSLĐ của Việt Nam so với khu vực và thế giới.

Những số liệu trên đây cho thấy, nguồn nhân lực nông thôn nước ta vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Phần lớn lao động nông, lâm, ngư nghiệp và những cán bộ quản lý nông thôn chưa được đào tạo. Điều này phản ánh chất lượng nguồn nhân lực trong nông thôn còn rất yếu kém. Sự yếu kém này đã dẫn đến tình trạng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn đang trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống, hiệu quả sản xuất thấp. Việc liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) hiện đang còn là hình thức. Tình trạng đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn dôi ra, không có việc làm.

Chính vì nguồn nhân lực trong nông thôn chưa được khai thác, đào tạo, cho nên một bộ phận nhân dân ở nông thôn không có việc làm. Tình trạng hiện nay là các doanh nghiệp đang thiếu nghiêm trọng thợ có tay nghề cao, trong khi đó, lực lượng lao động ở nông thôn lại dư thừa rất nhiều vì chất lượng lao động rất thấp.

Tuy đạt được một số kết quả nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp cả về thể lực, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, về ý thức lao động, kỷ luật lao động... Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng trong tổng lực lượng lao động còn thấp, nhất là lao động nông nghiệp. Một số cán bộ, công chức có trình độ chưa đạt chuẩn và năng lực quản lý điều hành chưa ngang tầm với nhiệm vụ, thiếu chủ động sáng tạo, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề còn thiếu, chưa có những cơ sở đào tạo nghề có chất lượng cao.

Giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong xây dựng NTM ở nước ta trong thời gian tới.

Một là, nâng cao trình độ văn hóa cho nguồn nhân lực nông thôn. Để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trước tiên phải nâng cao trình độ văn hóa cho người lao động. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở nông thôn.

Hai là, trang bị chuyên môn kỹ thuật cho lao động nông thôn. Muốn vậy, phải chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để công tác đào tạo nghề ở nông thôn đạt hiệu quả, cần phân loại lao động và đào tạo theo hướng:

- Đào tạo nghề nông cho nông dân và các chủ trang trại giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học - kỹ thuật hướng tới năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ,...Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển làng, xã, tự giác đóng góp xây dựng và quản lý các công trình của cộng đồng.

- Đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn, chủ yếu là thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp hệ phổ thông hoặc bổ túc văn hóa.

- Đào tạo nâng cao kiến thức và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ xã và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở.

- Ba là, hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng. Xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp từ trung ương đến các xã, phường, thôn bản đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa.

---------------

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến quý I/2019.

2.Hoinongdan.org.vn/125-dien-dan/10932-c-nang-cao-ch-lu-ng-ngu-nhan-l-c-lao-nong-thon.html

3.Ths. Nguyễn Thị Huệ, Tạp chí Tài chính số 3/2014.

Đặng Thị Tố Tâm

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-nong-thon-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-viet-nam-hien-nay-z36n20191114132959835.htm