Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ Việt Nam trong giai đoạn 'vàng'
Báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc mới đây cho thấy, cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ngày 17/12, Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn lực Việt (IRDM) tổ chức Lễ Tổng kết kỷ niệm 5 năm thành lập và chính thức đi vào hoạt động Chương trình “Phổ cập kỹ năng tương tác xã hội và kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp” trên nền tảng tự học thông minh - IRDM Smart Learning tại TP.HCM.
Theo báo cáo “Tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam - Cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách Việt Nam” năm 2010 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam ở giai đoạn dân số “vàng” từ năm 2015 đến 2035. Tuy nhiên, một báo cáo khác của UNFPA năm 2023 cho rằng cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Điều này có nghĩa là chúng ta đã và có thể sẽ tiếp tục bỏ qua cơ hội của giai đoạn dân số “vàng” vì chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực còn nhiều bất cập.
Giải pháp cho chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, theo UNFPA là mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động và đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, hành vi và kiến thức xã hội, đặc biệt cho thiếu niên, thanh niên và những người chuẩn bị tham gia lực lượng lao động.
Thấu hiểu những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực trẻ Việt Nam trong giai đoạn “vàng” hiện nay, IRDM đã nghiên cứu và thiết kế chương trình “Phổ cập kỹ năng tương tác xã hội và kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp”.
Theo đó, chương trình này được xây dựng theo 7 nấc thang phát triển nghề nghiệp lẫn phát triển con người. Trong đó, nấc thang số 1 là “Kỹ năng tương tác xã hội nền tảng” nhằm phổ cập cho học viên các kỹ năng học tập suốt đời như: Giao tiếp, trình bày ý tưởng, làm việc nhóm, đặt mục tiêu và lập kế hoạch… Nấc thang số 2 là “kỹ năng làm việc thiết yếu” nhằm trang bị cho người học tâm thế sẵn sàng hòa nhập thị trường lao động chuyên nghiệp và tạo giá trị cho tổ chức…
Bà Trần Lê Diễm Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn lực Việt (IRDM) chia sẻ: “Phổ cập kỹ năng tương tác xã hội và kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của IRDM được thiết kế dựa trên triết lý giáo dục khai phóng, phối hợp giữa khoa học về giáo dục với khoa học tâm lý hành vi nhưng có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Ngoài lực lượng giảng viên chính, đứng lớp còn có lãnh đạo doanh nghiệp.”
Chương trình hướng đến một hành trình phát triển bản thân trọn vẹn, tạo giá trị cho gia đình và xã hội. Các nội dung giảng dạy có chiều sâu của Viện IRDM được xây dựng theo quy trình chuẩn kiểm định, với các công cụ thực hành, các hoạt động tương tác cùng quá trình theo dõi sự thay đổi hành vi trước và sau khóa học.
Chương trình Phổ cập kỹ năng dùng nền tảng số để triển khai các khóa học với hệ thống tự học thông minh IRDM Smart Learning. Đây là hệ thống do IRDM phối hợp với Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) xây dựng từ tháng 7/2023.
Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đại diện FPT IS cho biết, hệ thống đã ghi nhận hơn 700.000 người dùng, giúp tăng 130-150% chất lượng người học nhờ các hoạt động đào tạo được triển khai hiệu quả. Đầu tháng 12/2023, IRDM Smart Learning chính thức được Bộ công thương cấp giấy phép thương mại điện tử - bán hàng.
Cũng theo bà Diễm Anh, nền tảng tự học thông minh IRDM Smart Learning giúp IRDM chuẩn bị cho nguồn lực trẻ một lộ trình phát triển cá nhân và nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng để các bạn trẻ tiến tới chinh phục 7 nấc thang, gồm: Mở cửa cơ hội, hòa nhập văn hóa, khơi dậy tiềm năng, khẳng định giá trị bản thân, trở thành chuyên gia ở lĩnh vực nghề nghiệp được đào tạo, tiến lên việc quản trị hiệu quả đội nhóm và công việc, truyền cảm hứng và thúc đẩy đồng nghiệp bằng các kỹ năng lãnh đạo, chuyển hóa giá trị bản thân, phụng sự cho sự phát triển xã hội.