Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại dịch vụ
Những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản nêu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực thương mại dịch vụ (TMDV) trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là Kế hoạch 72 ngày 26/3/2023 về thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nội dung quan trọng về việc xây dựng các giải pháp để phát triển đồng bộ hạ tầng TMDV. Để làm tốt điều này, trước tiên phải nâng cao trình độ, kỹ năng cho người quản lý, lao động trong lĩnh vực TMDV, đây là một trong những yếu tố then chốt đáp ứng nhu cầu của sự phát triển trong lĩnh vực này.
Nhân viên Siêu thị Go! Thanh Hóa được đào tạo từ kiến thức đến cung cách phục vụ khách hàng.
Hiện nay Sở Công Thương; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho lượng lớn người lao động trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực TMDV; đồng thời mở rộng quy mô đào tạo, nhất là đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp (DN). Hằng năm, các ngành tổ chức từ 8 - 10 khóa tập huấn, đào tạo cho khoảng 250 - 500 người là chủ các cơ sở kinh doanh, người lao động và cán bộ quản lý Nhà nước làm trong lĩnh vực về TMDV. Để bổ túc cũng như cập nhật các kiến thức mới về TMDV, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn cho các chủ DN, hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn tỉnh. Tính riêng trong năm 2023, sở đã tổ chức được 8 hội nghị bổ sung kiến thức về: An toàn thực phẩm, phát triển về thương mại điện tử, văn minh thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế...
Ông Nguyễn Vũ Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Thực hiện các chỉ đạo của sở, các phòng chuyên môn luôn chủ động xây dựng đề án, kế hoạch về các nội dung, kiến thức trong lĩnh vực TMDV để cập nhật kịp thời cho các DN, hộ sản xuất, kinh doanh. Nổi bật trong số đó là những nội dung liên quan tới chương trình phát triển thương mại điện tử, quy trình chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh thương mại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quản lý và bán hàng, xây dựng đa nền tảng để bán hàng... Qua đó, giúp các đơn vị kinh doanh, DN cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới để trau dồi cho nguồn nhân lực của chính DN mình.
Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, các đơn vị lớn hoạt động trong lĩnh vực TMDV như siêu thị Go!, Co.op Mart, The City... cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tự đào tạo cũng như nâng cao trình độ cho người lao động theo yêu cầu riêng của mỗi đơn vị. Tại siêu thị The City Yên Định hiện có khoảng 30 nhân viên chính thức làm việc tại các bộ phận khác nhau như thu ngân, bán hàng, nhân viên kho... Sau khi được tuyển dụng, người lao động sẽ được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn từ 1 đến 2 tháng tùy từng vị trí để nâng cao chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Bên cạnh đó, mỗi năm siêu thị sẽ chủ động đăng ký ít nhất 1 đến 2 chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về TMDV do các sở, ban, ngành tổ chức để nâng cao trình độ quản lý, từ đó áp dụng hiệu quả vào mô hình kinh doanh của mình.
Nhiều đơn vị kinh doanh còn chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình bằng cách liên kết với các trường trung cấp nghề, thuê đội ngũ giảng viên trực tiếp đến đơn vị hoặc đưa người lao động đến trường để được đào tạo bài bản từ kiến thức cơ bản đến nâng cao. Tại Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa, mỗi năm đào tạo khoảng 900 học viên, trong đó hơn nửa số học viên theo học các ngành liên quan tới lĩnh vực dịch vụ như: Nhà hàng khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn... Theo ông Lương Văn Sinh, Hiệu trưởng nhà trường: “Không riêng gì lĩnh vực TMDV, hiện nay bất kỳ DN nào muốn phát triển đều phải có nhân lực giỏi, vậy nên việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc đào tạo cho cá nhân, thì nhà trường cũng đã ký kết hợp đồng đào tạo lao động cho nhiều DN, đơn vị kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch. Sự kết hợp này, vừa giúp các DN có thể phát triển xa hơn nhờ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản; còn người lao động thì được mở rộng kiến thức nghề, rèn luyện kỹ năng bằng nhiều trải nghiệm thực tế, từ đó có cơ hội để nâng cao thu nhập. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục kết nối với các DN, công ty dịch vụ, công ty du lịch để liên kết đào tạo, hướng tới sự phát triển của lĩnh vực TMDV nói riêng và tình hình kinh tế của tỉnh nói chung”.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo, các chương trình tập huấn đã giúp nâng cao kiến thức cho người lao động, từ đó các đơn vị DN hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của lĩnh vực TMDV thành lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhiều năm nay, năm 2023 chiếm tỷ trọng 30,5%.