Nâng cao chất lượng nhân lực ngành xuất bản thời đại số
Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức, tham gia nhiều chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công việc làm sách thời đại số.
Hội Xuất bản Việt Nam (Hội) luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành xuất bản. Chủ trương của Thường trực Hội về xây dựng kế hoạch hàng năm, cả nhiệm kỳ, đã tạo điều kiện để Hội tổ chức các hoạt động, hội thảo, các lớp tập huấn về nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đông đảo hội viên và lực lượng làm công tác xuất bản, phát hành sách.
Thời gian gần đây, với những bước tiến công nghệ mới, các đơn vị hội viên của Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề đào tạo, cập nhật kỹ năng công nghệ cho nhân lực ngành.
Mở nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ
Trong khóa IV, Hội Xuất bản Việt Nam đã có nhiều hoạt động giúp nâng cao chất lượng nhân lực ngành xuất bản.
Trong năm 2017, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Ban lãnh đạo Hội sách Quốc tế Frankfurt (CHLB Đức), Hội đã tổ chức thành công khóa bồi dưỡng nghiệp vụ xuất bản tại Hà Nội.
Sang năm 2018, Văn phòng đại diện Hội phía Nam phối hợp với Khoa Xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức khóa một Lớp bồi dưỡng kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp cho 24 cán bộ lãnh đạo, nhân viên bán hàng của 12 doanh nghiệp phát hành sách, nhà xuất bản tại TP.HCM.
Năm 2019, tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Ban Truyền thông, Nghiệp vụ, Đào tạo của Hội đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, phát hành đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghệ 4.0”.
Ngoài ra, cũng trong năm này, Hội phối hợp với Khoa Xuất bản - Phát hành, Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cửa hàng trưởng cửa hàng sách và cán bộ nhà xuất bản.
Văn phòng đại diện Hội phía Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt biên soạn và hoàn chỉnh Tập sách tài liệu tập huấn Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường; tổ chức khóa tập huấn cho gần 200 giáo viên, cán bộ thư viện các trường phổ thông của TP.HCM.
Tháng 4/2020, Hội mở lớp đào tạo nhân lực cho ngành kinh doanh xuất bản phẩm thông qua các chương trình tập huấn kỹ năng cho nhân viên các cửa hàng tại Đường sách TP.HCM, chuyên đề “Nhận diện nhu cầu và cách phục vụ sách cho đối tượng gia đình có trẻ em và học sinh như thế nào?”.
Đến tháng 5/2021, Hội đã gửi đến Bộ Nội vụ bản tham luận “Cơ chế chính sách phát huy vai trò, vị trí của Hội Xuất bản Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trong thời gian tới".
Các Ban chuyên môn của Hội cũng đã lập kế hoạch phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành; Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Khoa Xuất bản - Trường Đại học Văn hóa và các nhà xuất bản, công ty sách tổ chức một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho biên tập viên, cán bộ phát hành; tổ chức tập huấn thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề; mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày về kỹ năng bán hàng cho cán bộ các nhà xuất bản, công ty sách.
Đào tạo kỹ năng, bắt kịp thời đại
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Phó ban công tác và thi đua, khen thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết thời gian qua Hội Xuất bản Việt Nam đã làm khá tốt công tác đào tạo nhân lực ngành.
Bà mong rằng trong thời gian tới, Hội phát huy được những hoạt động hiệu quả của mình. Trong thời đại công nghệ phát triển, độc giả trẻ hiện nay dùng nhiều xuất bản phẩm điện tử như ebook, audiobook, các đơn vị làm sách cũng quan tâm đẩy mạnh số hóa. Do vậy, đội ngũ nhân lực của ngành cần chú trọng phát triển kỹ năng công nghệ thông tin.
Hội Xuất bản có những Hội viên là các đơn vị đi đầu, dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản điện tử. Thời gian qua, một số đơn vị thành viên đã hợp tác với nhau, triển khai những buổi đào tạo về xuất bản số.
Các đơn vị như Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Công ty cổ phần sách điện tử WAKA, Công ty cổ phần công nghệ V&V, Công ty TNHH công nghệ WeWe… đã bắt đầu cử chuyên gia đến hướng dẫn thực hành, thực tập, thực tế nghề cho sinh viên Khoa xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nhưng tại các đơn vị xuất bản, vẫn có những bộ phận nhân lực giàu kinh nghiệm chuyên môn nhưng chưa thạo kỹ năng công nghệ. Về thực trạng này, ông Nguyễn Cảnh Bình - CEO của Alphabooks - nhận định: “Công nghệ không phải là thách thức. Thách thức là làm thế nào để nhân viên thích ứng được công nghệ. Chúng ta không thể dễ dàng sa thải họ, mà phải nâng họ lên để đáp ứng được đòi hỏi của xuất bản số”.
Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết về cơ bản, các nhà xuất bản sẽ cố gắng chủ động chuyển đổi số về mặt cơ sở vật chất. Tuy nhiên, về mặt đào tạo nguồn lực để vận hành các trang thiết bị đó, bà cho rằng rất cần có sự hỗ trợ.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Hội Xuất bản Việt Nam với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, hoàn toàn có thể mời các chuyên gia đào tạo cho nguồn nhân lực ngành, các thành viên của hội.
"Để ngành xuất bản phát triển được, rất cần một tổ chức hội nghề nghiệp như vậy để chúng ta có thể hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên của hội", bà nhận định.