Nâng cao chất lượng phổ cập mầm non 5 tuổi

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng vì là năm cuối cùng của bậc học mẫu giáo. Mục đích nhằm cho trẻ bước đầu làm quen với khái niệm một số môn học, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng ban đầu, tạo thuận lợi cho trẻ để bước vào học lớp 1 phổ thông tốt hơn.

Giáo viên Trường Mầm non Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19.

Giáo viên Trường Mầm non Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong những năm qua, Sở Giáo dục - Đào tạo và các địa phương luôn bảo đảm mục tiêu huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp và thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Đội ngũ giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy và học ngày càng được tăng cường.

Nhiều năm liên tục, tỉnh ta được Bộ giáo dục và Đào tạo công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Năm học 2018- 2019, cả tỉnh có gần 25 nghìn trẻ 5 tuổi, tỷ lệ huy động ra lớp và hoàn thành chương trình bậc học mầm non đạt 100%.

Điểm nổi bật là toàn bộ trẻ em trong độ tuổi là học sinh dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa và trẻ khuyết tật (có khả năng học tập) đều đã được học qua lớp cuối cùng của bậc học mầm non. 100% các xã, phường, thị trấn và các huyện, thành, thị đều được công nhận phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi.

Hiện nay cả tỉnh có trên 1600 giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đội ngũ giáo viên dạy các lớp cuối bậc học này đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Họ đều là những cô giáo yêu nghề, mến trẻ và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Toàn tỉnh có 240 trường mầm non, trong đó có 198 trường đạt Chuẩn Quốc gia (172 trường đạt chuẩn mức độ 1, 26 trường đạt chuẩn mức độ 2). Đối với lớp mẫu giáo 5 tuổi hiện có 790 phòng học, hầu hết phòng học bảo đảm diện tích bình quân 1,5m2/trẻ. Các lớp mẫu giáo nói chung và lớp 5 tuổi nói riêng cơ bản có các đồ chơi, đồ dùng, thiết bị dạy học theo quy định.

Ngoài ngân sách nhà nước, nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, nên điều kiện, môi trường giáo dục ngày càng đáp ứng tốt việc học tập, vui chơi của các cháu. Nhiều trường có sân chơi ngoài trời với không gian xanh, sạch, đẹp. Hầu hết các trường mầm non đều thực hiện tốt hai nhiệm vụ đó là nuôi và dạy các cháu, chăm lo các bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2020, ngành giáo dục đào tạo và các địa phương trong tỉnh tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi. Duy trì việc huy động toàn bộ học sinh trong độ tuổi đến lớp, thực hiện chương trình dạy đủ 2 buổi trong ngày, phấn đấu có tỷ lệ trẻ em học chuyên cần đạt 95%, dạy tiếng Việt cho 100% các em dân tộc ít người miền núi, vùng cao trước khi vào lớp 1.

Các cơ sở giáo dục bố trí đủ số giáo viên có năng lực dạy các lớp trẻ 5 tuổi. Tiếp tục đầu tư, mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học đáp ứng cơ bản theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Thu Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/nang-cao-chat-luong-pho-cap-mam-non-5-tuoi-271044-100.html