Nâng cao chất lượng phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc thời kỳ mới với nhân cách, lối sống tốt đẹp.

CLB Hát Soọng cô xã Minh Quang, huyện Tam Đảo thường xuyên dạy hát cho thế hệ trẻ. Ảnh: Kim Ly

CLB Hát Soọng cô xã Minh Quang, huyện Tam Đảo thường xuyên dạy hát cho thế hệ trẻ. Ảnh: Kim Ly

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH, Sở VH-TT&DL đã tham mưu ban hành các văn bản, kế hoạch cụ thể, đề ra nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả phong trào.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 20 năm thực hiện, phong trào đã tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; các giá trị văn hóa dân tộc, nền tảng đạo đức được quan tâm gìn giữ; những quy tắc ứng xử văn hóa đi vào nền nếp, có chiều sâu, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi…

Năm 2021, số lượng, chất lượng các gia đình được công nhận gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa đều tăng so với năm 2020. Trong đó, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 91,84%; 93,85% thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 90,14% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Các phong trào học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến được triển khai rộng khắp tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư.

Toàn tỉnh có 8/9 huyện, thành phố xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 136 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 100% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, rèn luyện của người dân.

Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao quần chúng phát triển sôi nổi với hơn 2.000 câu lạc bộ thể dục-thể thao hoạt động thường xuyên; hơn 50% số người tập luyện thể thao thường xuyên; 42% gia đình thể thao; 90% trường phổ thông có hoạt động thể dục-thể thao ngoại khóa đạt chất lượng.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều đổi mới. Các đám cưới được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Đám tang được tổ chức trang nghiêm, các hủ tục lạc hậu cơ bản được loại bỏ, tỷ lệ gia đình có người thân qua đời sử dụng hình thức hỏa táng tăng lên hơn 61%.

Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm, triển khai đồng bộ, kịp thời. Trung bình mỗi năm có hơn 270 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở, hơn 3.200 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ nhân dịp Tết Nguyên đán… Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,51%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH còn một số tồn tại, hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai thực hiện phong trào còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên và đồng bộ.

Người dân xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường tích cực tham gia vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Kim Ly

Người dân xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường tích cực tham gia vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Kim Ly

Nhiều khu thể thao, nhà văn hóa thôn phân tán, không liền kề dẫn đến tần suất sử dụng và hiệu quả hoạt động không cao. Công tác xã hội hóa chưa thu hút, vận động được nguồn lực từ nhân dân nên các công trình, thiết chế văn hóa thể thao còn hạn chế…

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 đề ra một số mục tiêu cụ thể như 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

100% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thể thao; 70% huyện, thành phố có nhà thiếu nhi; 100% xã, phường, thị trấn được lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục-thể thao ngoài trời; hơn 85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; hơn 85% gia đình, thôn, tổ dân phố giữ vững danh hiệu văn hóa…

UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện phong trào. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện các nhóm giải pháp nhằm gắn kết và phát huy vai trò của phong trào TDĐKXDĐSVH với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; huy động các nguồn lực tổ chức thực hiện phong trào; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng gắn với phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua ở cơ sở; xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các hoạt động văn hóa…

Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao các giải pháp về nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, các cuộc vận động, thi đua ở cơ sở; triển khai xây dựng mô hình điểm về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, các giải thể thao phong trào…

Phương Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82904/nang-cao-chat-luong-phong-trao-%E2%80%9Ctoan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa%E2%80%9D.html