Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị của Việt Nam
Chiều 3-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) về thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi; tình trạng quy hoạch 'treo'; chưa gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập.
Về chất vấn của đại biểu đối với việc thoát nước đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, do điều kiện tự nhiên môi trường, quy hoạch, quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư nên công việc này chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dâng; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...
Trả lời đại biểu về tồn tại hạn chế của quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng nhà ở, quy hoạch phát triển đô thị cũng còn có nội dung chưa thống nhất và chưa đồng bộ. Cùng với đó, các công cụ quản lý cũng chưa kiểm soát hết, kiểm soát hiệu quả một số vấn đề về đầu tư xây dựng về đất đai, về nhà ở. Trình độ, năng lực của cán bộ tham gia quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị cũng như là năng lực của cán bộ các cơ quan tư vấn lập quy hoạch cũng còn hạn chế. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch đô thị cũng còn hạn chế. Sự phối hợp về lập và thẩm định quy hoạch tại địa phương cũng còn hạn chế và chưa thống nhất.
Do đó, thời gian tới, Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện quy trình lập quy hoạch, hoàn thiện quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch cũng như hoàn thiện quy định về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch, bổ sung các quy định, yêu cầu đảm bảo kiểm soát tốt sự tuân thủ các cấp độ quy hoạch cũng như đồng bộ quy hoạch giữa các cấp độ; bổ sung nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong các loại quy hoạch cũng như quy định chi tiết hơn về nội dung, quy hoạch và mức độ thể hiện trong các đồ án quy hoạch.
Đồng thời, Bộ Xây dựng nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phương pháp luận trong công tác lập quy hoạch; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra công tác quy hoạch tại các địa phương.
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch và tổ chức lập cùng lúc 110 quy hoạch. Như vậy, khối lượng công việc tiến hành rất lớn.
Về tiến độ chung, Bộ trưởng cho biết, tiến độ lập quy hoạch đang chậm so với yêu cầu. Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội sau khi giám sát đã nêu ra nhiều vấn đề và ban hành kịp thời Nghị quyết 61/2022/QH15 để tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do lần đầu áp dụng luật nên còn lúng túng, còn có những cách hiểu khác nhau về tích hợp quy hoạch, lực lượng tư vấn quy hoạch còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch tích hợp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đang được đẩy nhanh; đồng thời, nỗ lực và tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng đồng bộ, tầm nhìn chiến lược cho các quy hoạch trong giai đoạn tới.