Nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị bền vững

Nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện đô thị Vĩnh Phúc theo hướng văn minh, hiện đại, UBND tỉnh đã và đang tập trung nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển đô thị bền vững.

Hạ tầng kỹ thành phố Vĩnh Yên được quy hoạch, đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Lượng

Hạ tầng kỹ thành phố Vĩnh Yên được quy hoạch, đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Lượng

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phê duyệt mới, phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án Quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng; 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã trình Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV Bình Xuyên, Vĩnh Tường và chủ trương 2 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phát triển du lịch, dịch vụ khu vực xung quanh hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc; lựa chọn đơn vị tư vấn để lập Quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trên địa bàn tỉnh (gồm 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 16 thị trấn).

Chỉ đạo UBND các huyện tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn; đôn đốc hoàn thiện đồ án quy hoạch chung đô thị Đạo Trù (Tam Đảo), quy hoạch vùng huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch chung đô thị Cao Phong huyện Sông Lô đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000.

Cùng với tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khung đô thị, hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, văn minh, có bản sắc và đồng bộ.

6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức lập chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); triển khai lập đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chấp thuận hướng tuyến 14 công trình hạ tầng kỹ thuật; rà soát quy hoạch cấp nước, thoát nước đô thị Vĩnh Phúc và thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật theo quy định.

Trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2C (cũ) và xây dựng cầu Giã Bàng trên ĐT.303; dự án Bến xe khách phía đông đô thị Vĩnh Phúc; cải tạo, nâng cấp ĐT.307, đoạn từ trung tâm thị trấn Lập Thạch đến cầu Liễn Sơn…

Trong 5 năm (2018-2022), tỉnh đã được hỗ trợ ngân sách Trung ương từ nguồn đầu tư công để triển khai đầu tư một số dự án lớn như xây dựng mở rộng cầu Bì La; đường tỉnh lộ 301 Phúc Yên; đường Tây Thiên - Tam Sơn; đường vành đai phía Đông huyện Tam Đảo; đường vành đai 5 vùng thủ đô; …với tổng số vốn 1.135 tỷ đồng; triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng đô thị sử dụng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư 9.167 tỷ đồng.

Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, một số dự án giao thông lớn, trọng điểm đã được triển khai, đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.

Mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh được mở rộng lên 32 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên đạt đô thị loại II, thành phố Phúc Yên đạt đô thị loại III, 30 xã, thị trấn đạt đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%.

Các đô thị phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, du lịch… là động lực quan trọng, giữ vai trò là cực tăng trưởng phát triển KT- XH của vùng, của tỉnh và của từng khu vực;.

Hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh đang tập trung xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc theo Luật Quy hoạch, trong đó tích hợp các quy hoạch chuyên ngành đảm bảo tính đồng bộ thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả, thiết thực.

Thực hiện điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đổi mới tư duy và nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch.

Hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch tại các đô thị hiện hữu, đô thị mới; quy chế quản lý kiến trúc các đô thị gồm thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và 16 thị trấn; Đề án cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng, đô thị; Đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; Đề án cải thiện hệ thống thoát nước đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2021-2025.

Ban hành Quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản, quản lý chiếu sáng đô thị, chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc...

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95375//nang-cao-chat-luong-quy-hoach-va-phat-trien-do-thi-ben-vung